Giải đáp quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ về phục hồi sản xuất

19:12' - 07/10/2021
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngày 7/10 tại Hội nghị trực tuyến giữa UBND tỉnh Bình Dương với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Minh thông tin, đến nay đã có gần 90% doanh nghiệp đã trở lại sản xuất trong điều kiện mới.

Tại hội nghị trực tuyến đã kết nối đến đại diện với 20 doanh nghiệp Hoa Kỳ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao việc phòng, chống dịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong suốt thời gian qua; đồng thời cảm ơn chính quyền tỉnh Bình Dương đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất vấn đề khó khăn hiện nay là thiếu nguồn lao động trầm trọng do công nhân đã về quê tránh dịch. Bên cạnh đó, mô hình "3 tại chỗ" đang áp dụng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động. Tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý khi có F0 xuất hiện tại nhà máy.

Một số doanh nghiệp phản ánh việc duy trì hoạt động sản xuất phải thực hiện xét nghiệm cho người lao động quá tốn kém; công nhân chưa được tiêm vaccine mũi 2... Trong khi đó, việc đi lại giữa các tỉnh, thành cũng đang gây khó khăn cho công nhân của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết tỉnh ghi nhận những  băn khoăn của doanh nghiệp và chia sẻ những khó khăn chung trong bối cảnh phòng, chống dịch trên địa bàn.

Giải đáp về những kiến nghị của doanh nghiệp nêu trên, ông Minh cho hay, tỉnh cũng đã cơ bản đưa ra các giải pháp qua việc ban hành văn bản số 4988/UBND-VX của UBND tỉnh Bình Dương về các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện "bình thường mới".

Theo đó , các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương ở các "vùng xanh" đủ điều kiện để hoạt động theo mô hình "3 xanh", tức là người lao động được đi đến doanh nghiệp làm việc và về nhà trong ngày. Còn các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ"  đang  ở "vùng xanh" cũng có thể cho người lao động về thăm nhà.

Đối với việc xử lý khi có F0 trong nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin, thời gian qua, chính quyền tỉnh đã phối hợp tốt với doanh nghiệp trong việc xử lý các F0, không để dịch bệnh lây lan rộng nên có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất bình thường.

Thời gian tới, khi công nhân đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine thì quá trình xử lý F0 và F1 cũng thuận tiện hơn do tỉnh đã mở nhiều Trạm Y tế lưu động hoạt động tại các khu công nghiệp.

Song song đó, tỉnh cũng đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh là đầu mối để doanh nghiệp liên hệ khi có F0 trong nhà máy để xử lý kịp thời.

Cũng theo ông Minh, hiện Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh đã ưu tiên triển khai tiêm vaccine cho công nhân, người lao động, nhất là công nhân đang hoạt động "3 tại chỗ". Hiện nay, năng lực tiêm của tỉnh đạt 150.000 liều vaccine/ngày. Trong kế hoạch trong tháng 10 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân 18 tuổi trở lên trong toàn tỉnh.

Trong đó, quy định xét nghiệm 2 lần/tuần cho công nhân lao động nhằm giữ được an toàn trong phòng, chống dịch tại các "vùng xanh", ngăn chặn nguy cơ bùng dịch xâm nhập vào các khu vực nhà trọ của công nhân.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong các doanh nghiệp cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xét nghiệm và xác nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động, nhắm tránh "rủi ro" cho người lao động cũng như nhà máy sản xuất. Còn về chi phí xét nghiệm tỉnh đang nghiên cứu phương án giảm tối đa cho doanh nghiệp.

Về việc di chuyển của người lao động đã có hướng dẫn cụ thể như có giấy xác nhận tiêm vaccine đủ 14 ngay trở lên và một số giấy tờ tùy thân liên quan.

Riêng kế hoạch thí điểm phương án cho phép người lao động đi lại bằng xe máy (xe mô tô, xe gắn máy) giữa thành phố Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) và thành phố Thuận An, Dĩ An của tỉnh Bình Dương đã được hai địa phương về cơ bản đã chấp thuận, tạo điều kiện để đón người lao động trở lại Bình Dương làm việc trong thời gian tới.

Cùng ngày, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 7/10 ghi nhận 840 ca mắc COVID-19 mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ. Số ca mắc mới đã giảm 1,4% so với ngày 6/10. Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 219.652 ca mắc COVID-19.

Theo ngành Y tế tỉnh Bình Dương tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca đã giảm rõ rệt; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tập trung vào phục hồi kinh tế - xã hội sau khi tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.

Hiện toàn tỉnh đã xanh hóa, không còn địa phương vùng đỏ; theo đó người lao động có thể di chuyển trong điều kiện an toàn để vào nhà máy làm việc trở lại./. 

>>Chuyên gia, lao động từ TP Hồ Chí Minh cần điều kiện gì để lên Bình Dương làm việc?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục