Giải Diên hồng 2024: Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa đại biểu dân cử với cử tri

21:58' - 05/01/2024
BNEWS Các tác phẩm đã phản ánh chân thực, sâu sắc những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, những vấn đề nóng hổi của cuộc sống được xem xét, thảo luận, giải quyết tại nghị trường. 
Tiếp nối thành công từ mùa giải đầu tiên, Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ hai - năm 2024 đã thu hút số lượng lớn các tác phẩm tham dự, với 2.679 tác phẩm của 138 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Các tác phẩm đã phản ánh chân thực, sâu sắc những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, những vấn đề nóng hổi của cuộc sống được xem xét, thảo luận, giải quyết tại nghị trường. Và ngược lại, các quyết sách của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề bức thiết của đất nước, nhân dân..., qua đó cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Quốc hội trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền

Để cụ thể hóa những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Quốc hội đã và đang có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới cơ chế quản lý, cơ cấu lại nền kinh tế. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhà báo Phạm Thị Kim Thanh (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) nhấn mạnh, đằng sau con số ấn tượng trên là sự chủ động, nỗ lực rất lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan..., với những câu chuyện lần đầu tiên, chưa từng có tiền lệ. Ấn tượng trên hết là một Quốc hội không ngừng đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, linh hoạt, bám sát hơi thở của cuộc sống vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhóm phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết loạt bài “Tầm nhìn và dấu ấn lập pháp kiến tạo của của Quốc hội” để nhìn nhận, đánh giá công tác lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Loạt bài đã phản ánh những sáng kiến, đề xuất đổi mới hoạt động lập pháp với những dấu ấn chưa từng có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội nhằm khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển. Tác phẩm xuất sắc đoạt Giải A hạng mục Báo điện tử.

Một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp. Việc sửa đổi Luật đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, dự thảo Luật đã trải qua quá trình xây dựng hết sức công phu, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tâm huyết, trí tuệ của nhân dân, các đại biểu Quốc hội nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Phóng sự “Đồng hành, trách nhiệm xây dựng đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai” nhìn lại suốt chặng đường 2 năm xây dựng, hoàn thiện, bổ sung Luật Đất đai sửa đổi. Phóng sự được xây dựng công phu, sinh động, ghi nhận câu chuyện thực tế của nhiều địa phương, người dân, doanh nghiệp... trên khắp cả nước cùng sự góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội thể hiện sự đồng hành, trách nhiệm trong việc xây dựng một đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai. Tác phẩm của nhóm tác giả Phạm Thị Hồng Thanh, Mai Đăng Quang, Hoàng Phương Thảo (Truyền hình Thông tấn - TTXVN) đoạt Giải B thể loại Truyền hình.

Khơi thông điểm nghẽn

Trong các chuyến công tác tại một số địa phương, nhóm phóng viên Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận thấy thực trạng phổ biến trong thực tế triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” tại các vùng miền trên cả nước.

Đó là tình trạng có tiền nhưng không giải ngân được do vướng mắc (có khi chỉ là một từ) trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi có địa phương thừa tiền nhưng rơi vào cảnh hết đối tượng thụ hưởng thì lại có những nơi chương trình, dự án đành phải “nằm im” vì “khát” vốn. Có nơi về đích thì lại mang nỗi lo gánh nặng nợ nần. Có địa phương chủ động, sáng tạo lại canh cánh nỗi sợ “vượt rào”, nguồn vốn chưa khơi thông được hoàn toàn.

Vướng mắc, bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi từng ngày, người dân vùng được thụ hưởng lợi ích vẫn mong chờ những chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước sớm thấm sâu vào cuộc sống, đến nhanh hơn với mình.

Nhà báo Uông Thị Thu Huyền, Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện nhóm tác giả chia sẻ, loạt bài “Tăng phân cấp, trao niềm tin” được thực hiện bởi lý do này và ngay tại thời điểm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua Nghị quyết giám sát tối cao việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Loạt bài được kỳ vọng sẽ khơi thông được điểm nghẽn, rút ngắn con đường về đích của ba Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo an sinh xã hội”. Tác phẩm xuất sắc đoạt Giải A hạng mục Phát thanh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử

Tại Giải Diên hồng lần thứ hai - năm 2024, Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đoạt 4 giải thưởng ở các hạng mục: Báo in, Truyền hình, Ảnh báo chí.

Bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi nhận giải C Giải Ảnh báo chí với tác phẩm "Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Từ Nghị quyết Quốc hội đến quyết tâm của các địa phương”, tác giả Nguyễn Văn Điệp (Ban biên tập Ảnh, TTXVN) cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài toàn tuyến là 112,8km; tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 héc ta. Từ Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương xây dựng Dự án, thành phố Hà Nội và các tỉnh đã khẩn trương vào cuộc. Tác phẩm phản ánh quyết tâm của các địa phương với những chỉ đạo quyết liệt, cách làm mạnh mẽ để phấn đấu đạt được tiến độ đề ra.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với hiệu quả hoạt động giám sát, đưa công tác này vào “thực chất”, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Ở cấp địa phương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 (Nghị quyết 594) hướng dẫn trình tự, thủ tục và trách nhiệm trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, giúp hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trở nên chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, Nghị quyết 594 đã đặt một “dấu mốc” khởi động khi hướng dẫn và buộc Hội đồng nhân dân các cấp phải giám sát kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của mình.

Nhằm tìm hiểu sâu hơn nội dung này, nhóm tác giả Ngô Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Cúc (TTXVN) đã thực hiện chùm 5 bài viết: “Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử”, đoạt Giải C thể loại báo in. Chùm bài phản ánh thực tế của công tác giám sát, lựa chọn vấn đề giám sát, tiến hành khảo sát, ra kết luận, kiến nghị và triển khai các công việc sau kết luận, giám sát, trong đó có tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong việc thực hiện các kết luận giám sát tại không ít địa phương từ trước khi Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ra đời.

Chùm bài viết đã đưa ra những minh họa cụ thể về vai trò quan trọng của Hội đồng nhân dân trong việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân, về tính minh bạch, khách quan trong lựa chọn vấn đề giám sát và sự quyết liệt khi người đại biểu dân cử đi đến cùng của sự việc, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của công tác giám sát, sau giám sát, nhóm phóng viên đã phân tích sâu về chất lượng của đại biểu dân cử. Hội tụ đủ những tố chất cần thiết, mỗi đại biểu dân cử sẽ là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nói riêng. Hoạt động giám sát này được đồng bộ và chuyên nghiệp hóa bởi sự điều chỉnh kịp thời của Nghị quyết 594, lan tỏa những hiệu ứng tích cực trong thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân trên phạm vi cả nước. Điều này góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử cũng như giúp các đại biểu dân cử hoàn thành trách nhiệm hiện thực hóa nguyện vọng của nhân dân.

Có thể khẳng định, với sự tìm tòi, dấn thân, các nhà báo đã tập trung phản ánh, phân tích sâu sắc về các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu dân cử trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, góp phần chuyển tải đầy đủ các quyết sách của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tới cử tri, tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa đại biểu dân cử với cử tri, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục