Giải mã hiện tượng kinh tế Nga giữa các “vòng vây” trừng phạt (Phần 2)

06:30' - 14/12/2018
BNEWS Sự khôn ngoan của điện Kremlin còn được thể hiện ở cách biến “bại thành thắng” trong mối tương quan kinh tế - chính trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề một Hội nghị ở Hamburg (Đức). Ảnh: AFP/ TTXVN

Như Tổng thống Putin đã nói, mọi vấn đề rõ ràng là lỗi của Washington, chứ không phải của điện Kremlin. Các biện pháp trừng phạt đã chặn đứng nhiều dòng chảy vốn vào Nga, buộc Moskva phải tận dụng số tiền ít ỏi còn lại để củng cố quyền lực chính trị qua việc huy động sự ủng hộ của giới tinh hoa và gây dựng tâm lý “bài” phương Tây tại nước này, đồng thời khơi gợi lòng yêu nước và tự tôn dân tộc có trong mỗi người dân.

Ngoài ra, các chương trình cải cách lương hưu, vốn không được ưa chuộng (và có thể cho là không cần thiết) cũng được đổ lỗi cho phương Tây với lập luận rằng vì Chính phủ thiếu tiền do hậu quả của việc các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt và gây xao nhãng giới đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, lỗ hổng về cấu trúc chủ yếu của kinh tế Nga nằm ở sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác, chủ yếu là sang châu Âu. Tuy nhiên, Moskva luôn chắc chắn rằng phương Tây sẽ không thể cắt giảm hoàn toàn những hoạt động này đối với Nga bởi người tiêu dùng châu Âu sẽ là đối tượng chịu tác động tiêu cực đầu tiên và nhiều nhất nếu châu lục này ngừng nhập khẩu năng lượng từ “xứ Bạch Dương”.

Bên cạnh đó, mặc dù Nga sẽ chịu nhiều thiệt thòi từ các lệnh cấm vận liên quan đến nhập khẩu thiết bị và công nghệ tiên tiến, song những biện pháp trừng phạt đó cũng sẽ làm tổn thương các công ty quốc tế như Siemens và ABB. Tương tự như vậy, ngành hàng không dân dụng của Nga cũng phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực phụ tùng, dịch vụ và máy bay. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt liên quan đến những sản phẩm này vẫn chưa được thảo luận rộng rãi.

Moskva hiện đang thực hiện chính sách phi đô la hoá đồng USD, với việc ồ ạt bán trái phiếu Chính phủ Mỹ để mua vàng. Số liệu chính thức cho thấy Ngân hàng trung ương Nga hiện đã tăng mức dự trữ vàng thêm gần 29 tấn vào tháng 7/2018, mức lớn nhất kể từ tháng 11/2017 và nâng tổng giá trị dự trữ kim loại quý này lên con số 76 tỷ USD, tương đương mức tăng 37% kể từ đầu năm 2016.

Xu thế “lên ngôi” của vàng cũng phản ánh sự “thất sủng” của trái phiếu Chính phủ Mỹ tại Nga, với mức giảm lên đến 84% trong giai đoạn tháng 3-5/2018, xuống mức chỉ 14,9 tỷ USD, tương đương 17% nguồn dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.

Eugene Chausovsky, nhà phân tích cao cấp của Eurasia tại công ty tình báo địa chính trị Stratfor, cho biết việc mua vàng được xúc tiến để giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD của Nga, vào thời điểm mối quan hệ giữa Moskva với Washington vẫn căng thẳng.

Bên cạnh đó, điện Kremlin cũng lo lắng các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ngăn cản việc Moskva bán lại trái phiếu Mỹ trong tương lai hoặc ngăn chặn các ngân hàng Nga sử dụng đồng USD để thực hiện các giao dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục