Giải ngân đầu tư công của Tiền Giang trong nhóm cao nhất cả nước

13:30' - 03/07/2024
BNEWS Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, năm 2024, đầu tư công tỉnh Tiền Giang tiếp tục khởi sắc, tỷ lệ giải ngân luôn nằm ở nhóm cao nhất cả nước.

Nhờ vậy, giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án nhằm hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch cả năm và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh phấn đấu trong năm 2024 sẽ giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công.

 

Trong năm 2024, Tiền Giang có kế hoạch đầu tư công khoảng 4.974 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 3.573 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương.

Nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngay từ đầu năm, Tiền Giang tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, đưa ra các giải pháp kịp thời khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với giải ngân nhanh vốn đầu tư công.

Cùng với kịp thời quán triệt chủ trương, triển khai các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương về vốn đầu tư công đến các sở, ngành tỉnh và địa phương làm cơ sở thực hiện, địa phương chú trọng ưu tiên bố trí vốn theo thứ tự: Vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023; các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024…

Việc chuẩn bị đầu tư cũng được cải thiện về chất lượng, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, quy định pháp luật; chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hạn chế đầu tư dàn trải cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công các công trình, dự án góp phần phát huy tác dụng trong đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội vừa đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định việc lựa chọn nhà thầu, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, công trình phù hợp với tính chất của các gói thầu. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, mạnh dạn điều chuyển vốn từ các dự án có khối lượng thực hiện thấp sang các dự án có khối lượng cao cần bổ sung vốn thanh toán khối lượng hoàn thành kịp thời. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo đến cuối năm phải hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Đặc biệt, các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh đang được tập trung quyết liệt đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Điển hình như: Dự án Cầu Rạch Miễu 2, đến đầu tháng 7/2024 đã bàn giao 94% mặt bằng cho đơn vị thi công; dự án Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đạt 93,3%; Dự án đường tỉnh 864 đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đạt 90,9% đồng thời nghiệm thu đưa vào sử dụng hạng mục cầu Vàm Giồng; Dự án xây dựng hệ thống các cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) đã hoàn thành hạng mục 6 cống: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn; Dự án đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng đạt 89,94%; Dự án khu công nghiệp Bình Đông đã hoàn thành công tác đo đạc các thửa đất, đang thực hiện giải phóng mặt bằng…

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, các đơn vị khẩn trương vào cuộc, đạt nhiều kết quả trong giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết, năm 2024, đơn vị được giao ngân sách tỉnh hơn 166,8 tỷ đồng và hiện đã giải ngân hơn 147,2 tỷ đồng, đạt 88,2%. Riêng nguồn vốn ngân sách Trung ương, đơn vị được giao 877 tỷ đồng và hiện đã giải ngân hơn 759 tỷ đồng, đạt 86,6%. Nguồn vốn ngân sách Trung ương chủ yếu để thực hiện Dự án thành phần 2 thuộc tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và chi cho công tác giải phóng mặt bằng.

Còn theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Tiền Giang đang triển khai Dự án đê chống sạt lở Cồn Ngang, có tổng vốn đầu tư trên 238 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm giảm sóng, khắc phục sạt lở, gây bồi bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngang nằm hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp biển Đông vừa phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu trên huyện cù lao Tân Phú Đông.

Đến nay, đơn vị đã giải ngân được 150 tỷ đồng vốn đầu tư; dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư. Nhờ vậy, đến đầu tháng 7/2023, hai gói thầu số 1 và số 2 cơ bản hoàn thành đang nghiệm thu đưa vào sử dụng; gói thầu số 3 đang được đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công ráo riết các phần việc còn lại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 7/2024.Riêng đoạn còn lại dài khoảng 790 m đã thi công được gần 70% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước cuối năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đánh giá, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cấp, các ngành, nguồn vốn đầu tư công giải ngân nhanh đã thiết thực giúp các địa phương trong tỉnh tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành, đưa nhiều công trình, dự án vào sử dụng thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục