Giải ngân vốn bảo trì đường bộ đạt gần 42%

15:51' - 29/06/2022
BNEWS Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ, đạt gần 42% kế hoạch năm.
Thông tin về kết quả giải ngân nguồn vốn bảo trì đường bộ trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam gần 10.500 tỷ đồng và đến hết ngày 27/6/2022, đơn vị đã giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng, đạt gần 42%.

Nguyên nhân về giải ngân 6 tháng đầu năm chưa đạt 50%, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay là do thời gian này phải tổ chức đấu thầu. Dự kiến đến 15/10/2022 sẽ giải ngân đạt 85% dự toán giao và đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch.

Liên quan đến các dự án sửa chữa định kỳ, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến ngày 27/6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành lập, thẩm định phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án sửa chữa định kỳ theo kế hoạch, thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu phải đấu thầu.

Đối với thi công trên hiện trường, các tuyến đường có các dự án sửa chữa, các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã và đang triển khai thi công, một số gói thầu đã hoàn thành, nhiều gói thầu đã hoàn thành khối lượng lớn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp triển khai chậm hơn, khối lượng thực hiện chưa nhiều.

Về những khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn bảo trì, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay mưa nhiều, lũ đến sớm hơn các năm trước. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như nhựa đường, xi măng, sắt thép, cát đá, giá xăng, dầu tăng cao. Trong khi cơ bản các hợp đồng dự án sửa chữa bảo trì là hợp đồng trọn gói nên gây khó khăn cho việc triển khai dự án.

Để khắc phục các khó khăn trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn, giải pháp xử lý bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên việc khó khăn về giá cũng tác động đến một số dự án phải cắt giảm công việc chưa cấp thiết.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đôn đốc các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý chất lượng và tiến độ đối với các dự án sửa chữa định kỳ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo tiến độ giải ngân. Phấn đấu đến cuối năm cơ bản hoàn thành công tác thi công trên hiện trường, đến 31/12 hoàn thành 100% công tác giải ngân vốn bảo trì.

Các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông sẽ được ưu tiên khắc phục. Bên cạnh đó, tăng cường công tác sửa chữa mặt đường êm thuận; tập trung sửa chữa, chỉnh trang các công trình an toàn giao thông, bổ sung vạch sơn kẻ đường, sơn lại các vạch sơn bị mờ, tường phòng hộ, biển báo, đường cứu nạn, hốc cứu nạn trên các tuyến đường nguy hiểm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục