Giải pháp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

07:30' - 22/05/2022
BNEWS Nhờ sự phát triển ổn định của các làng nghề, nhiều làng thuần nông nay đã có nghề tiểu thủ công nghiệp.

Trong khuôn khổ các hoạt động Festival làng nghề truyền thống vùng miền lần thứ I tỉnh Quảng Nam năm 2022 do Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức (từ ngày 19 - 22/5), ngày 21/5, Ban tổ chức Festival đã tổ chức tọa đàm giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm nghề, OCOP, công nghệ nông thôn thiêu biểu.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cùng các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghề của các tỉnh tham gia Fesstival.

 

Trên cơ sở tình hình phát triển hiện nay của làng nghề tại các địa phương trong vùng, các đại biểu đã phân tích những thành quả của các làng nghề trong việc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đại bộ phận lao động ở nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của các tỉnh trong vùng.

Nhờ sự phát triển ổn định của các làng nghề, nhiều làng thuần nông nay đã có nghề tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, nhất là cải thiện cơ cấu lao động khu vực nông thôn, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Các đại biểu cũng đã chứng minh thu nhập từ các hoạt động kinh tế của các làng nghề cao hơn sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Vì thế, địa phương nào có nghề, làng nghề thì ở đó đời sống của người dân thường ổn định hơn cả về giá trị kinh tế và xã hội. Các làng nghề đã tạo ra việc làm thường xuyên cho người lao động, tăng quỹ thời gian làm việc cho người lao động nông nhàn...

Tuy nhiên, do đời sống công nghệ ngày phát triển nên thời gian qua việc bảo tồn và phát triển các làng nghề của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung gặp nhiều khó khăn: Nguồn nguyên liệu khan hiếm, thiếu lao động do sản xuất ở các làng nghề chủ yếu là sản xuất theo hộ gia đình, giá trị lao động thấp khiến người lao động không tha thiết gắn bó với nghề; nguồn vốn đầu tư cho các làng nghề còn hạn hẹp, một số công trình hạ tầng phục vụ làng nghề được Nhà nước đầu tư chưa phát huy hiệu quả, trong khi các hộ sản xuất không đủ vốn để mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, sản phẩm của các làng nghề tiêu thụ chậm trên thị trường vì mẫu mã kém, ít có sự thay đổi, đột phá, giá thành  lại cao hơn một số sản phẩm tiện lợi hiện nay như: rổ nhựa, nệm, chiếu nhựa thay cho chiếu cói, mũ vải thay cho nón lá… Vì vậy, một số làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi cùng các kỹ năng và bí quyết nghề truyền thống của các tỉnh miền Trung và tỉnh Quảng Nam có nguy cơ mai một, thất truyền.

Trước thực trạng đó, các đại biểu đã nghiên cứu, thảo luận dựa trên điều kiện tự nhiên và thực tế thị trường và thị hiếu của người dân; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề khu vực miền Trung.

Ông Phạm Văn Thành - Chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Bà Ba Hội (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, để bảo tồn và phát triển làng nghề không chỉ là nỗ lực của các làng nghề mà Nhà nước cần quan tâm quản lý chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có cơ chế chính sách đồng bộ bởi nguồn vốn hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề hiện nay quá thấp, không đủ điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sơ sở hạ tầng.

Anh Dương Ngọc Truyền - Trưởng làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều, ở xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng Nhà trưng bày cho làng để giới thiệu sản phẩm của làng đến mọi người; nâng cấp hệ thống đường giao thông để tạo điều kiện cho người dân làng nghệ vận chuyển nguyên liệu về sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ; có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân làng nghề hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sản xuất để bảo tồn và phát triển làng nghề; thu hút con em làng nghề tiếp tục gắn bó với nghề bởi hiện nay thu nhập từ làng nghề khá thấp nên con em làng nghề sau khi học xong văn hóa đều có xu hướng đi làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Anh Bùi Văn Thông - Chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Văn Lang ở xã Tam An (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) khẳng định, Nhà nước cần có chính sách thu hút thế hệ trẻ gắn với nghề truyền thống, đặc biệt có giải pháp giải quyết nguồn nguyên liệu cho người sản xuất gỗ mỹ nghệ bởi hiện nay nguồn gỗ trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm. Cùng với đó, có giải pháp giải quyết đầu ra cho các cơ sở sản xuất, cơ chế chính sách để các doanh nghiệp, cơ sở được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế…

Ông Đỗ Tiên Đạt - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì các nghệ nhân và làng nghề phải quan tâm đầu tư, hướng con em mình gắn bó với làng nghề, đặc biệt phải đoàn kết để bảo tồn làng nghề, không được vụ lợi riêng.

Trả lời ý kiến của các đại biểu, đại diện các Sở Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam đã lý giải các cơ chế chính sách,  nguồn vốn, quy định của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, pháp lý, môi trường sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở tại các làng nghề, tạo sự đoàn kết để các làng nghề phát triển. Đặc biệt, hỗ trợ về quy hoạch, đất đai, khoa học - công nghệ, nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa.../.

>>>Đến làng nghề làm sạch trong nhà, ngoài ngõ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục