Giải pháp bịt lỗ hổng trong an toàn hàng không

17:09' - 17/05/2023
BNEWS Ngày 17/5, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và giới luật sư.

Với mong muốn có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, cũng như an toàn tính mạng cho hành khách khi bay, ngày 17/5, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và giới luật sư.

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, có những nhóm hoạt động công khai, rầm rộ ‘hỗ trợ bay không giấy tờ tuỳ thân” trên mạng xã hội và các hội, nhóm kín Facebook, Zalo, Viber… nhiều khách hàng có thể lên tàu bay mà không cần giấy tờ tuỳ thân. Vì vậy, cần có những giải pháp thực tế, đảm bảo an toàn bay cho hành khách, người dân.

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng Phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, trong 5 phương tiện giao thông vận tải, ngành hàng không dân dụng có tốc độ cao nhất, nhanh nhất, chúng ta sử dụng dịch vụ vận tải này với nhu cầu tiết kiệm thời gian. Tính nhanh, cao tốc của ngành này đòi hỏi những yêu cầu rất chặt chẽ.

Việc đảm bảo an toàn hàng không dân dụng là vấn đề không chỉ với phạm vi trong nội bộ đất nước mà mang tính phạm vi toàn cầu. Chẳng hạn, một chuyến bay từ Tp. Hồ Chí Minh ra Hà Nội có thể kết nối ngay sau đó đến Paris (Pháp). Tính kết nối quốc tế rất cao nên các quy định pháp luật tại Việt Nam thể hiện những tiêu chuẩn chung của quốc tế.

“Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó, các tiêu chuẩn bắt buộc chính phủ Việt Nam phải thực hiện và khuyến cáo thực hành phải được thực hiện ở mức cao nhất có thể”, ông Tô Tử Hùng thông tin.

Sau vụ 4 nữ tiếp viên xách "hàng cấm" xôn xao dư luận, có nhiều câu hỏi đặt ra đối với việc kiểm soát an ninh đặc biệt là kiểm soát hành khách. Lỗ hổng trong khâu kiểm soát giấy tờ hiện nay nếu không khắc phục kịp thời sẽ có nguy cơ đối tượng buôn lậu, xách hàng cấm… sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Về vấn đề này, ông Tô Tử Hùng chia sẻ, năm 2022, vấn đề giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Việt Nam cũng có những quy định rất rõ ràng về việc mang giấy tờ tuỳ thân khi lên tàu bay’ trong đó có khoảng 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – chuyên gia ‘giải mã’ tội phạm học cho hay, là người công tác trong ngành an ninh nên nắm sâu về vấn đề này và khẳng định rằng hàng không dân dụng Việt Nam là một trong những môi trường rất an toàn.

Trong nhiều năm qua, hàng không Việt Nam không xảy ra nhiều sự cố lớn. Số liệu thống kê trong năm 2022 có hơn 600 sự cố, sự việc xảy ra, chủ yếu liên quan tới giấy tờ. Đây là sự nỗ lực cố gắng rất nhiều của ban ngành.

Phải xác định rằng, câu chuyện tồn tại ở một bộ phận nhân viên, thành viên cá biệt lợi dụng từ “nhân văn” để có hoạt động trục lợi này với mục đích kiếm thêm.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu cho hay, trước hết phải xác định rằng, đây là việc làm sai trái mà cơ quan chức năng sẽ giải quyết để làm trong sạch, bảo đảm an toàn an ninh hàng không. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ danh tính của khách hàng thì chuyến bay đó có thể rơi vào một số nguy cơ như: đối tượng khủng bố, phạm tội bỏ trốn, trộm cắp tài sản.

Vì vậy, để lọt những người không rõ danh tính trên máy bay là vi phạm nghiêm trọng quy định của hàng không Việt Nam. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng cần thiết nhận diện để bịt lỗ hổng trong công tác quản lý.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến nhìn nhận, chúng ta có luật chuyên ngành là Luật Hàng không quy định cụ thể về an ninh an toàn hàng không. Bên cạnh đó cũng có nhiều nghị định, thông tư, cụ thể Nghị định 19/2013/NĐ-CP quy định rất rõ về an ninh an toàn hàng không, còn có thông tư xử lý về vi phạm an ninh an toàn hàng không. Như vậy, các quy định rất rõ, ngành hàng không cũng có ban hành quy chế an ninh, an toàn hàng không.

Về các giải pháp giải quyết vấn đề trên, ông Tô Tử Hùng cho hay, tại Chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam mới ban hành có nhấn mạnh: Nhân viên hàng không phải làm đúng quy trình. Nếu đúng như quý báo nêu thì đây là trường hợp rất đáng lo ngại, chúng tôi cần có thông tin cụ thể để đánh giá chính xác những giấy tờ đó cấp đúng quy trình hay không. Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị Báo Đại Đoàn Kết cung cấp đầy đủ thông tin những trường hợp báo nêu và sẽ cam kết cam kết bảo mật thông tin theo đúng quy định của pháp luật.

TS. Đào Trung Hiếu thông tin, gần đây, Bộ Công an triển khai rất nhiều các biện pháp nhiều chương trình hữu ích, giúp cho cả ngành hàng không và cả người dân qua tài khoản định danh điện tử, dùng sinh trắc học,…

Tuy nhiên, còn một số chương trình nữa nên triển khai nhanh như cấp định danh điện tử, căn cước công dân cho trẻ vị thành niên. Nếu triển khai được sớm thì sẽ rất thuận lợi, là biện pháp hiệu quả cho việc rút ngắn các thủ tục hàng không.

Trở lại câu chuyện những hành khách đã sử dụng dịch vụ, trả thêm khoản phí do không đủ giấy tờ tuỳ thân, TS. Đào Trung Hiếu nhìn nhận, những hành khách này cũng lo ngại rằng khi bị phát hiện thì họ có thể bị cấm bay hoặc đồng phạm trong vấn đề đưa hối lộ.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi cần phải công khai, đưa đến các cơ quan chức năng để xác định những cá nhân nào đã làm trái quy trình, có sự móc ngoặc, có sự thông đồng giữa nhân viên an ninh, nhân viên hãng hàng không hay không khi để “lọt” các trường hợp không đảm bảo an ninh hàng không nhưng vẫn được bay. Để bịt ngay “lỗ hổng” này, đảm bảo an ninh ngành hàng không cũng như an toàn của hành khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục