Giải pháp căn cơ ngăn chặn tín dụng đen ở nông thôn

15:19' - 15/06/2019
BNEWS Việc nâng mức cho vay tối đa với chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại các vùng miền.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã nâng mức cho vay và thời gian vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá hiện đã đáp ứng 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn theo chính sách mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc làm này đã tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân đồng thời là một trong những giải pháp căn cơ để cùng với các tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Đây là năm thứ 5 gia đình ông Ngô Đức Sơn (thôn Lộc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn) được vay và sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.

Ông Sơn cho biết: "Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã, con cái còn nhỏ, vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định nên tôi phải đi vào Nam để làm thuê kiếm tiền. Ở nhà, mỗi lần đến kỳ đóng học phí cho con, vợ tôi phải vay lãi suất cao ở ngoài, đợi tôi gửi tiền về trả. Năm 2014, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của chi hội phụ nữ, gia đình tôi đã được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Triệu Sơn".

Tính đến thời điểm này, gia đình ông Sơn đã được vay 3 chương trình: học sinh sinh viên, hộ cận nghèo và nước sạch vệ sinh môi trường với tổng số tiền là 115 triệu đồng. Cũng từ năm 2014, sau khi được vay vốn, gia đình ông mở máy xay xát gạo, nhập gạo lên thành phố Thanh Hóa bán, phục vụ các gia đình cần xay xát gạo. Cám thừa từ xay xát gạo, ông đầu tư nuôi lợn, gà, vịt. Hiện gia đình có 6 con lợn mẹ, 14 con lợn con, 150 con gà, 100 con ngan, vịt...

Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, đời sống của gia đình ông Sơn đã không ngừng được cải thiện. Đầu năm 2019, gia đình ông Ngô Đức Sơn chính thức thoát nghèo, 3 người con đã học xong đại học, ra trường và đi làm ổn định, cuộc sống, kinh tế gia đình đã đi vào ổn định, với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

"Cứ đà này, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, gia đình tôi sẽ trả hết nợ vay, thậm chí còn dư vốn gửi lại vào Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Sơn phấn khởi chia sẻ.

Cùng với gia đình ông Sơn, gia đình anh Nguyễn Văn Hội ở thôn Long Văn, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện từ năm 2010. Từ một xưởng gỗ nhỏ ban đầu, đến nay, sau gần 10 năm, anh Hội đã có một cơ ngơi bề thế với hệ thống xưởng mộc, gian trưng bày đồ gỗ nội thất có quy mô tương đối lớn tại quê nhà.

Anh Nguyễn Văn Hội cho biết: "Việc vay vốn được thực hiện ngay tại địa phương với các thủ tục rất thuận lợi. Nhờ các nguồn vay vốn chính sách tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi mới có thành quả như ngày hôm nay. Việc Ngân hàng chính sách xã hội cho nâng hạn mức và thời gian vay là một chính sách rất có ý nghĩa đối với bà con, đặc biệt là với những hộ có mô hình sản xuất kinh doanh lớn hơn, cần nhiều vốn hơn như gia đình tôi."

Để thực hiện hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn vốn vay, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Triệu Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình cho vay, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong huyện làm tốt nhiệm vụ ủy thác, nâng cao chất lượng các điểm giao dịch như công khai niêm yết thông tin về lãi suất, lãi gửi tiết kiệm... để tạo thuận lợi cho khách hàng khi đến giao dịch.

Thông qua các tổ chức hội, toàn huyện hiện có 379 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động tín dụng như phối hợp với cán bộ ngân hàng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc sử dụng nguồn vốn vay cũng như kịp thời tháo gỡ những kháo khăn, vướng mắc, động viên, khuyến khích khách hàng nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến tháng 6/2019, tổng dư nợ của ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Sơn đã đạt 484 tỷ đồng với 13.500 khách hàng vay vốn, mức dư nợ bình quân đạt 37 triệu đồng/hộ vay.

Hiện tại đơn vị đang thực hiện 18 chương trình cho vay; trong đó các nguồn vốn giải ngân đạt cao như vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo đạt trên 130 tỷ đồng, vốn vay hộ cận nghèo thực hiện gần 130 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường trên 60 tỷ đồng... Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,18%.

Ngân hàng cũng đã thành lập điểm giao dịch tại 29/29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi đến giao dịch, tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Sơn cho biết: "Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Sơn đã chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể.

Ngân hàng cũng tiến hành rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội, từng bước đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay tại các điểm giao dịch xã.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền cho nhân dân về tác hại của tín dụng đen cũng như nắm bắt, phản ánh kịp thời thực trạng tín dụng đen trên địa bàn.

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy nhân dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển sản xuất, phát huy được hiệu quả nguồn vốn.

Trong 6 tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Sơn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các điểm giao dịch, cập nhật đầy đủ và kịp thời các chương trình giao dịch mới cũng như phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ủy thác, chính quyền địa phương nắm bắt nhu cầu vay vốn tại địa phương. Ngân hàng phấn đấu năm 2019 thực hiện mức tăng trưởng dư nợ là 500 tỷ đồng.

Có thể nói, với việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, các đối tượng chính sách, người nghèo ngày càng được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi, giúp giải quyết khó khăn, thay đổi nhận thức để vươn lên trong lao động sản xuất, từng bước thoát nghèo.

Không ít gia đình ở huyện Triệu Sơn nói riêng và các địa phương khác ở Thanh Hóa đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, có của ăn của để, xây cất nhà cửa khang trang, thậm chí nhiều hộ gia đình còn dư vốn gửi lại vào Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tính đến đầu tháng 6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 9.300 tỷ đồng, với 24 chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai. Tất cả các chương trình đều đang phát huy một cách hiệu quả, góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo.

Để đạt được những hiệu quả trong việc chuyển tải nhanh chóng và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tốt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị, xã hội, thực hiện bình xét công khai thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động tín dụng chính sách thực hiện ở 635/635 điểm giao dịch đặt tại các xã trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá hiện đã đáp ứng 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn theo chính sách mới.

Hiện các phòng giao dịch trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm công khai, minh bạch chính sách để người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng phối hợp với địa phương kiểm tra phương án đề nghị vay vốn và việc bình xét hộ vay vốn nhằm bảo đảm đúng đối tượng và mục đích sử dụng.

Việc nâng mức cho vay tối đa với chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại các vùng miền. Đây cũng là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi các loại hình tín dụng không chính thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục