Giải pháp cho thị trường việc làm Indonesia giai đoạn hậu COVID-19

06:00' - 05/05/2020
BNEWS Khó khăn mà Indonesia sẽ gặp phải sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được kiểm soát là nguy cơ hàng triệu người dân có thể mất việc làm sau đại dịch này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bài viết đăng trên trang mạng The ASEAN Post cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chương trình thẻ lao động mà Chính phủ Indonesia đang triển khai thí điểm. 

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế Indonesia và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, làm suy giảm sản lượng và sẽ tác động tiêu cực dài hạn đến các lĩnh vực khác. Hàng triệu công nhân đã bị buộc thôi việc, không có trợ cấp thất nghiệp và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc đảm bảo sẽ có việc làm mới sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. 

Tất cả những khó khăn, trong đó có việc mất cân bằng thu nhập của đội ngũ lao động đang đặt ra thách thức cho Chính phủ Indonesia trong việc tìm ra một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả người dân. Chính phủ đã cam kết sẽ hỗ trợ những người lao động bị sa thải bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện thẻ lao động việc làm (Kartu Pra-Kerja). Chương trình này dự kiến sẽ được thực hiện trong nửa cuối năm 2020.

Chương trình cấp thẻ lao động việc làm được tiến hành dựa theo Quy định số 36/2020 của Tổng thống, cung cấp các chương trình để cải thiện kỹ năng của người lao động bao gồm cả đối tượng người lao động bị sa thải và người lao động cần cải thiện năng lực. 

Các chương trình đào tạo này liên quan đến các nền tảng kỹ thuật số và các trung tâm đào tạo thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân có nghĩa vụ phải hợp tác với các nền tảng kỹ thuật số được chỉ định. Những người muốn đăng ký tham gia chương trình phải đăng ký thông tin thông qua trang web (Prakerja.go.id) và đơn đăng ký của họ sẽ được đánh giá bởi các cơ quan hữu quan có trách nhiệm thụ lý và xử lý vấn đề này.

Sau khi được chọn, họ sẽ được cấp một khoản tiền để chi trả cho việc đào tạo và nâng cao tay nghề. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, người tham gia sẽ nhận được chứng chỉ và những điều kiện ưu đãi khác để tạo điều kiện cho họ trong quá trình tuyển dụng.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng chương trình này còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, bắt đầu với sự thiếu minh bạch về cách chính phủ chỉ định một số nền tảng kỹ thuật số nhất định để thực hiện các chương trình đào tạo. 

Nhiều ý kiến đã công khai đặt dấu hỏi tại sao chính phủ không sử dụng các nền tảng kỹ thuật số miễn phí có sẵn để tiến hành đào tạo trực tuyến như thông qua kênh YouTube hay nhiều kênh thông tin khác? 

Việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số được chính phủ chỉ định không chỉ gây ra nguy cơ độc quyền, mà còn dẫn đến tình trạng lãng phí tiền bạc khi phải trả phí rất lớn cho các nền tảng kỹ thuật số mà chính phủ lựa chọn. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chương trình đào tạo trực tuyến này không đòi hỏi yếu tố bảo mật thông tin nên không nhất thiết phải lựa chọn các nhà cung cấp nền tảng kỹ thuật số mà chính phủ chỉ định. Hơn nữa, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu việc làm của người dân sẽ rất cao và cấp thiết nên chính phủ cần nghiên cứu kỹ để áp dụng rộng rãi nhằm khuyến khích hơn nữa sự tham gia của người dân.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), an ninh lao động là vấn đề bảo vệ người lao động trước sự biến động của nguồn thu nhập do mất việc làm, xảy ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế, như là một phần của tái cơ cấu, hoặc có liên quan đến các lý do khác. 

Một ý kiến khác được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu (EC), đề cập đến an ninh lao động bao gồm đầu tư vào đào tạo để tăng khả năng sử dụng lao động của cá nhân, hỗ trợ thu nhập thông qua trợ cấp thất nghiệp và chiến lược kích hoạt phù hợp để tạo điều kiện chuyển đổi việc làm và thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp. 

Cả hai khái niệm này đều liên quan đến việc bảo vệ các cá nhân khi đối mặt với nguy cơ mất việc làm, đồng thời cũng tăng cường khả năng các cá nhân có được thu nhập thông qua công việc được trả lương trong tương lai nếu không thể tránh khỏi việc bị mất việc làm.

Ý tưởng của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) trong việc triển khai thẻ lao động không nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. Các chuyên gia cho rằng chương trình này sẽ không tự động cung cấp việc làm cho người lao động nếu các kỹ năng không phù hợp với cơ hội việc làm có sẵn. Bên cạnh đó, các vấn đề khác cũng cần được xem xét, chẳng hạn như liệu các cơ hội việc làm có sẵn sẽ tạo ra thu nhập và lợi ích bổ sung để hỗ trợ mức sống tốt và phúc lợi của người lao động hay không khi xét theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế?

Chính phủ Indonesia nên tập trung vào việc phân bổ các nguồn lực để bù đắp tổn thất thu nhập của người lao động, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương, như người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, người lao động tạm thời và những người không được hưởng trợ cấp hoặc trợ cấp thất nghiệp. 

Các cơ quan có liên quan của Chính phủ, như Bộ Nhân lực nên chịu trách nhiệm người lao động bị mất thu nhập phân loại các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của họ. Các chương trình đào tạo không nên được khái quát cho tất cả người lao động do các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trước đây của họ khác nhau. Tái sử dụng các trung tâm đào tạo hiện có cũng là một ý tưởng. Ngoài ra, người lao động cần được khuyến khích sử dụng các nền tảng kỹ thuật số tập trung vào các kỹ năng dựa trên công nghệ.

Chính phủ Indonesia cần đảm bảo rằng các cơ hội việc làm sẵn có phù hợp với các chương trình đào tạo và những công việc đó tạo ra thu nhập theo mức sống ổn định để hỗ trợ cho người lao động và gia đình của họ. Hợp tác nâng cao với chủ sử dụng lao động hoặc các tác nhân kinh doanh cũng là cần thiết, đặc biệt là trong việc cung cấp các giải pháp việc làm giai đoạn hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục