Giải pháp củng cố thương mại tự do và cơ hội đầu tư quốc tế

05:30' - 11/05/2017
BNEWS Ngày càng có nhiều chính quyền từ bỏ thương mại tự do và chỉ mong muốn các quan hệ thương mại có lợi cho nền kinh tế vĩ mô của họ, ví dụ như Mỹ và Anh.
Thủ tướng Angela Merkel tại một cuộc họp ở Berlin. Ảnh: AP/TTTXVN

Tờ Die Welt (Thế giới) của Đức mới đăng tải bài viết nhan đề "Merkel có 11 tuần để cứu nền kinh tế thế giới", qua đó nêu ra những quan ngại về tình hình kinh tế thế giới và những giải pháp của Nhóm các doanh nghiệp (B20) thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tham vấn với Thủ tướng Angela Merkel.

Ngoài việc có nhiều chính quyền từ bỏ thương mại tự do, mục tiêu khí hậu đã trở nên không còn bắt buộc với một số nước. Trong vấn đề này, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng là một trường hợp đáng lo ngại.

Xung đột kinh tế giữa phương Tây và Nga đã gia tăng, trong khi đó, hệ thống kinh tế thế giới đang bị thử thách. Bà Emma Marcegaglia - điều hành Hiệp hội chủ lao động châu Âu BusinessEurope cho rằng toàn cầu hóa đang bị phê phán ngày càng nhiều. 

Doanh nhân người Italy Marcegaglia cũng đồng thời là "đầu não" của nhóm công tác “Thương mại và đầu tư” thuộc B20. Tuần này, B20 được mời tới hội đàm tại Berlin và ở đó, họ sẽ gửi tới Thủ tướng Merkel một hồ sơ với những đề xuất và kiến nghị đối với vấn đề kinh tế và thương mại toàn cầu.

B20 sẽ tham vấn cho Thủ tướng Đức những giải pháp về bảo vệ thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu, đối phó với những chính trị gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà Merkel có 11 tuần để thuyết phục Tổng thống Trump và phe phái của ông. 

Sau đó hội nghị thuợng đỉnh G20 sẽ bắt đầu ở Hamburg. Và mục tiêu của hội nghị do Đức chủ trì với tư cách Chủ tịch luân phiên G20 là đưa Mỹ và Anh trở về với các chính sách thương mại tự do và dập tắt chủ trương bảo hộ thương mại, chủ nghĩa dân túy trong tương lai.

Theo bài báo, các nước hiện thời coi cam kết Paris 2015 như một "đống giấy lộn" nên G20 cần quay trở lại cam kết về các mục tiêu khí hậu với chữ kí và con dấu. Những gì nước Đức và trước hết Thủ tướng Merkel phải thực hiện là đầy tham vọng.

Các chuyên gia làm việc cho B20 đã xây dựng các kiến nghị trong nhiều tuần xung quanh các câu hỏi "Làm thế nào để tạo nên một nền thương mại quốc tế công bằng và thúc đẩy nó?"; "Làm thế nào để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và bảo vệ môi truờng tốt hơn?"; "Làm thế nào để khuyến khích số hóa và mở rộng cơ sở vật chất hiện thời một cách tốt nhất?"; và "Làm thế nào để tạo ra các công việc mới, chống tham nhũng và trợ giúp các công ty nhỏ và vừa hiệu quả hơn?".

Nhóm công tác Thương mại và đầu tư kết luận rằng cần củng cố thương mại tự do và cơ hội đầu tư mang tầm quốc tế nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, tiến tới phân chia tài sản, mức sống... công bằng hơn. 

Một điều mà B20 khẳng định chắc chắn là bảo hộ kinh tế và chính sách dựa trên chủ nghĩa trọng thương không bao giờ là một giải pháp để đem lại nhiều thành quả kinh tế cho tất cả mọi người. Họ kêu gọi các thành viên G20 "giữ vững cam kết, ngăn ngừa và bãi bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại“.  

Đằng sau B20 là 700 hiệp hội và nhà quản lý đến từ G20, kể cả Mỹ, Nga và Trung Quốc. Những lời khuyên của B20 sẽ được Thủ tướng Merkel sử dụng như là công cụ với những "lý lẽ mạnh mẽ" trong các cuộc đối thoại với những lãnh đạo chính quyền phê phán tự do thương mại như Tổng thống Donald Trump./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục