Giải pháp đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp ở Hà Nội

15:30' - 07/07/2021
BNEWS Để ngành công nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, hiệu quả, thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, thành phố Hà Nội đã và đang đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều dự án cụm công nghiệp vẫn còn chậm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, lãnh đạo thành phố đã đưa ra những giải pháp cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Vai trò của các cụm công nghiệp         

Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Các cụm công nghiệp này hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 1,6 nghìn ha, trong đó, có hơn 1,3 nghìn ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định.

Từ năm 2018-2020, Hà Nội đã có quyết định thành lập 43 cụm công nghiệp.

Trong đó, năm 2020 có 25 cụm công nghiệp, tổng diện tích 497,4 ha được thành lập, triển khai đầu tư khá thuận lợi do những vướng mắc về quy hoạch, đất đai đã được các sở, ngành tham mưu UBND thành phố giải quyết.

Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng hơn 3,8 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Trong đó có 26 cụm công nghiệp có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ như các cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, Ngọc Hồi, Từ Liêm, thị trấn Phùng…, giúp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì (đơn vị quản lý cụm công nghiệp Ngọc Hồi) Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, nhờ đầu tư bài bản, đồng bộ, cho nên chỉ hơn một năm sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng, diện tích của cụm công nghiệp đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định, đến nay đã được gần 14 năm.

Cụm công nghiệp được quy hoạch, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp điện, chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm cấp nước sạch, trạm xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cây xanh...

Toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp được thu gom, qua xử lý mới được xả ra ngoài môi trường. Bùn cặn, chất thải rắn được đơn vị môi trường thu hồi, đem đi xử lý theo đúng quy định.

Cũng được đầu tư xây dựng từ những năm 2000, cụm công nghiệp Từ Liêm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm quản lý, rộng 65 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

84 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất như cơ khí, in ấn bao bì, thực phẩm, thương mại,… đang hoạt động ổn định tại đây, tạo công ăn việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Nằm ở phía Nam Hà Nội, huyện Thường Tín có hàng trăm làng nghề, nhu cầu về mặt bằng sản xuất tập trung rất lớn.

Trên địa bàn huyện hiện có 10 cụm công nghiệp hoạt động - nhiều nhất trong số các quận, huyện, thị xã của Hà Nội.

Hầu hết diện tích các cụm công nghiệp ở đây đều đã được lấp đầy, với hơn 900 doanh nghiệp, hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động địa  phương và vùng lân cận.

Sự hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư như trước đây.

Còn nhiều bất cập

Sự phát triển mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của các cụm công nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng thẳng thắn chia sẻ, các cụm công nghiệp trên địa bàn chủ yếu mang đặc thù cụm công nghiệp làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như loại hình cụm công nghiệp tập trung.

Ngoài ra, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn không được trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện chữa cháy; việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh 26 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hoạt động ổn định, thì vẫn còn 44 cụm công nghiệp chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy định.

Về vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội lý giải, do nhiều cụm công nghiệp triển khai từ thời chưa sáp nhập địa giới hành chính nên chỉ dừng lại ở việc giao đất cho doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng trong khi chưa có hạ tầng chung toàn cụm.

Vì vậy, hiện nhiều cụm công nghiệp không có trạm xử lý nước thải tập trung, chưa quan tâm đến phòng cháy chữa cháy...

Đơn cử như trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì) được đầu tư từ năm 2007 nhưng chưa một ngày hoạt động.

Hay trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Duyên Thái (huyện Thường Tín) sau hơn 5 năm hoạt động, từ năm 2012 đến nay cũng đã dừng hoạt động do gặp khó khăn về kinh phí.

Thậm chí, đến nay mới có 4 cụm được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Một bất cập nữa là phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không có quy hoạch.

Trong khi đó, để đáp ứng được các yêu cầu về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy… đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị, hệ thống rất tốn kém nên thường bị “bỏ qua”.

Hà Nội hiện có hơn 200.000 hộ kinh doanh. Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ bởi họ bị “vướng” về kiến thức quản trị kinh doanh, marketing khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp; nhiều hộ kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng…

Những giải pháp cụ thể

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến về quản lý, phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/7/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã khẳng định: “Trong thời gian tới, TP Hà Nội tập trung phát triển các cụm công nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường… UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có văn bản tháo gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, về trình tự thủ tục điều chỉnh trong quy hoạch, bổ sung mới, điều chỉnh cũng như triển khai quy hoạch 1/500 các cụm công nghiệp, vì trong giai đoạn hiện nay là sự giao thoa giữa quy hoạch ngành và quy hoạch của các tỉnh, thành phố”.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp cụ thể; Sở Công Thương cùng các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Ngày 17/3/2021, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND, về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2021.

Theo đó, 100% cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại và được quản lý hoạt động.

Đồng thời, 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020 sẽ được khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; trong đó, phấn đấu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 cụm công nghiệp. 

Kế hoạch này nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Cũng trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10-15 cụm công nghiệp.

Để tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế Thủ đô, thành phố sẽ tổ chức rà soát quy hoạch; đồng thời lập phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã có nhiều văn bản đôn đốc UBND các huyện, chủ đầu tư các cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thiện thủ tục, công việc cần thiết; góp ý các quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khi có yêu cầu của UBND huyện; phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa; điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn.

Với sự nỗ lực của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, đến nay quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của 14 cụm công nghiệp đã được UBND các huyện phê duyệt.

9 cụm công nghiệp hoàn thành công tác xác nhận bản đồ hiện trạng, cấp chỉ giới đường đỏ, đã lấy ý kiến cộng đồng, xin ý kiến góp ý của các sở, ngành và đang trình UBND huyện phê duyệt; 1 cụm đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, 7 cụm đã có quyết định phê duyệt; 7 cụm đã họp hội đồng thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt; 10 cụm đang lập đánh giá tác động môi trường.

Việc có thêm nhiều cụm công nghiệp ra đời sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới trong sản xuất công nghiệp, tạo đột phá trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục