Bến Tre đầu tư có trọng điểm vào các cụm công nghiệp

06:18' - 05/05/2021
BNEWS Đến nay, Bến Tre có 10 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 347,3 ha; có 9 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,3 ha.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, thời gian tới, các huyện, thành phố tích cực chủ động các nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Cùng đó, đấu nối hạ tầng giao thông vào đường trục chính, thi công tuyến đường chính trong cụm công nghiệp, đầu tư lưới điện trung thế 3 pha, nguồn nước máy độc lập,… phục vụ cụm công nghiệp. Đồng thời, kêu gọi đầu tư và mở rộng các cụm công nghiệp sau khi được lấp đầy.

Theo đó, tỉnh bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 kết hợp với việc cân đối vốn hàng năm của các huyện, thành phố để đầu tư có trọng điểm các cụm công nghiệp đang triển khai tốt trên địa bàn, cụm công nghiệp Phong Nẫm, cụm công nghiệp Thị trấn- An Đức, cụm công nghiệp Tân Thành Bình… nhằm tạo sự lan tỏa và làm cơ sở đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh.

Bến Tre cũng bố trí một phần vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách các huyện, thành phố lập quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp mới được thành lập; bố trí một phần kinh phí đầu tư các hạng mục chính của các cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Tỉnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay, hiện các huyện, thành phố trong tỉnh đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn để phát triển các cụm công nghiệp  trên địa bàn quản lý, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025, với chỉ tiêu “mỗi huyện 1 cụm công nghiệp ít nhất 70 ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, hiện việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển cụm công nghiệp ở các địa phương trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, phần lớn các cụm công nghiệp mặc dù đã thành lập và có quy hoạch chi tiết nhưng chưa giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất.

Thay vào đó, các huyện sẽ vận động các doanh nghiệp tự ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động, số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Đối với doanh nghiệp năng lực tài chính yếu thì gặp khó khăn đầu tư theo hình thức này.

Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước nên tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm. Ngoài ra, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn.

Hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp phần lớn chưa có hoặc yếu kém do đa số cụm công nghiệp nằm ở vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Thêm vào đó, một số cụm công nghiệp được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng không đủ năng lực dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc mời gọi đầu tư như cụm công nghiệp Phú Hưng, cụm công nghiệp An Hòa Tây.

Mặt khác, suất đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong tỉnh thường cao hơn các địa phương khác nên chưa thật sự thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh cụm công nghiệp.

Ông Dương Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho hay, trên địa bàn huyện có hai cụm công nghiệp đã được thành lập gồm, cụm công nghiệp Thị trấn- An Đức và cụm công nghiệp An Hòa Tây.

Đến nay, cụm công nghiệp thị trấn An Đức hiện đã giải phóng mặt bằng 15,72/35,568 ha, đạt tỷ lệ 44,2% diện tích. Cụm công nghiệp có 9 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích cho thuê 9,42 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 689,43 tỷ đồng. Riêng cụm công nghiệp An Hòa Tây,  (50 ha) đang xác định lại giá đất, mời gọi đầu tư thứ cấp và đầu tư hạ tầng.

Cũng theo ông Dương Văn Chương, việc đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn do nguồn ngân sách huyện còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp chưa được đồng bộ. Việc tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư còn ít; bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến nhu cầu của nhà đầu tư…

Đến nay, Bến Tre có 10 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 347,3 ha; có 9 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,3 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp 243,45 ha, đã cho thuê 61,38 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 25,21% diện tích đất công nghiệp. Hiện có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động.

Các cụm công nghiệp có 20 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.700 lao động. Đáng chú ý, trong 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, có 3 cụm công nghiệp được đầu tư những hạ tầng cơ bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa trong cụm công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục