Giải pháp để ngành tôm phát triển bền vững

18:16' - 08/12/2017
BNEWS Ngành tôm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Giải pháp để ngành tôm phát triển bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 8/12, tại tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) tổ chức Hội thảo góp ý “Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030”.

Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, tôm nuôi nước lợ (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) có đóng góp đặc biệt quan trọng trong nuôi trồng thủy sản nói riêng và ngành thủy sản nói chung đóng góp 9,8% tổng sản lượng thủy sản; 45% giá trị kim ngạch xuất khẩu và 60% tổng doanh thu nuôi trồng thủy sản.

Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước hơn 694.000 ha; tổng sản lượng hơn 657.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt 3,15 tỷ USD. Năng suất trung bình nuôi tôm nước lợ đạt 0,946 tấn/ha; tăng trưởng 28,7% trong giai đoạn 7 năm (2010 – 2016).

Về chế biến và tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng song không ổn định. Việt Nam đã đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ tôm, mở rộng thị trường tiêu thụ, áp dụng công nghệ mới và tăng tỷ lệ trong giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, sản xuất vẫn khá bị động vì phải nhập khẩu tôm giống, công nghệ phụ trợ, nguyên liệu thức ăn, phần lớn thuốc hóa chất, tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian và bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu... dẫn đến phát triển ngành tôm còn thiếu ổn định.

Cùng đó, ngành tôm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... cũng là những nguyên nhân gây trở ngại cho sự phát triển của ngành tôm thời gian qua.

Để ngành tôm thực sự trở thành sản phẩm quốc gia, các chuyên gia cho rằng cần thiết xây dựng “Đề án Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến năm 2030” nhằm xác định những tồn tại, bất cập trong ngành tôm.

Bên cạnh đó, dự báo được xu thế thị trường, khoa học công nghệ để đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đưa ngành tôm phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Mục tiêu chung của đề án là tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đóng góp chính trong kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam; chủ động sản xuất và quản lý tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất để tăng hiệu quả sản xuất, năng lực và sức cạnh tranh sản phẩm tôm Việt Nam; áp dụng công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025.

Theo dự thảo đề án, đến năm 2020, ngành tôm phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt 4,5 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm ước lợ đạt 710 ngàn ha; tổng sản lượng đạt 800 ngàn tấn.

Dự kiến đến năm 2025, ngành tôm phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt 8,4 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm ước lợ đạt 750 ngàn ha và tổng sản lượng đạt 1,1 triệu tấn và đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 1,3 triệu tấn tôm.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo đề án, như: cần xây dựng chi tiết về sản lượng, diện tích cho các tỉnh để tỉnh có mục tiêu phấn đấu; các giải pháp cho vấn đề tôm bố mẹ; vấn đề nhân lực thích ứng với công nghiệp công nghệ cao; cơ chế chính sách bảo vệ sản phẩm trí tuệ; quy hoạch thủy lợi; việc phân chia nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, viện, trường trong thực hiện đề án…

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, ông Như Văn Cẩn ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu; đồng thời đề nghị các tỉnh sớm đề xuất những vùng ưu tiên cần sự đầu tư về hạ tầng theo thứ tự để có sự phân bổ hợp lý.

Theo ông Như Văn Cẩn, mục tiêu tới đây của đề án là hướng tới truy xuất nguồn giống nên việc chọn tạo tôm bố mẹ là vấn đề trọng tâm của đề án.

Do vậy, các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được xem xét, bổ sung nhằm hoàn thiện đề án sao cho hoàn chỉnh, góp phần đưa ngành tôm phát triển bền vững trong tương lai.

>>>Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp giúp chống sạt lở đê biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục