Giải pháp hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án sau phê duyệt

20:41' - 19/07/2022
BNEWS Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án sau phê duyệt.
Ngày 19/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục tiến hành kỳ họp thứ 6, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong ngày làm việc này, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công và tình trạng các dự án phải điều chỉnh, chủ yếu là tăng tổng mức đầu tư sau khi đã được ban hành chủ trương đầu tư.

Theo đại biểu Trần Thị Lan Anh, hiện có tình trạng dự án đầu tư đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định chủ trương đầu tư song phải điều chỉnh nhiều, có dự án phải điều chỉnh đến lần 2. Nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng tổng mức đầu tư, trong đó có dự án tăng gấp 2 đến 3 lần so với tổng mức ban đầu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long thẳng thắn thừa nhận thực trạng này là đúng. Qua theo dõi của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến điều chỉnh dự án là do giải phóng mặt bằng và điều chỉnh quy mô dự án làm tăng tổng mức đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Long lấy ví dụ về phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng có 9 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng tổng mức đầu tư từ 4.400 tỷ đồng lên trên 7.800 tỷ đồng (tăng trên 3.300 tỷ đồng), tương đương 176%, trong đó giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.600 tỷ đồng, khoảng 50% giá trị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Giai đoạn 2021-2022, Hải Phòng chủ trương đầu tư 13 dự án với tổng mức đầu tư là từ hơn 14.634 tỷ đồng lên 17.324 tỷ đồng, tăng hơn 2.600 tỷ đồng. Trong hơn 2.600 tỷ đồng này, giải phóng mặt bằng tăng tới trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 77,47% giá trị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Các dự án giải phóng mặt bằng càng kéo dài, chi phí giải phóng mặt bằng càng tăng, nhất là các khu vực "sốt" đất. Trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, hầu hết các dự án đều phải điều chỉnh mức đầu tư và tăng chi phí giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh yếu tố giải phóng mặt bằng, việc điều chỉnh quy mô dự án, thay đổi phương án kiến trúc được phê duyệt so với quy mô sơ bộ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Hoàng Long, với trách nhiệm là cơ quan tổng hợp cân đối nguồn vốn đầu tư công của thành phố và là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định chủ trương đầu tư như xác định chi phí giải phóng mặt bằng trong bước chuẩn bị đầu tư.

Để có cơ sở thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra cung cấp số liệu về diện tích các loại đất, loại đất dự kiến thu hồi. Chính quyền địa phương tổ chức kiểm đếm vật kiến trúc tại hiện trường, sau đó lập và cung cấp số liệu cho cơ quan chuẩn bị đầu tư và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố về số liệu cung cấp của mình, đồng thời chịu trách nhiệm về việc xác định nguồn gốc đất, xác định đơn giá đền bù, địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành phố Hải Phòng giao chính quyền địa phương ở cấp huyện quản lý nguồn gốc đất và vật kiến trúc, cây cối, hoa màu để không biến động, phát sinh tính từ khi dự án được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chủ trương đầu tư.

Đối với việc xác định quy mô đầu tư, chi phí xây dựng của dự án, các đơn vị liên quan chủ động bố trí chi phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho các dự án trong bước lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định được quy mô đầu tư và chi phí xây dựng của dự án.

Ngoài ra, các cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có trách nhiệm chọn tư vấn có năng lực, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan để nghiên cứu xác định quy mô đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và đề xuất các biện pháp thi công đảm bảo các quy định về pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Liên quan đến việc hạn chế tăng tổng mức đầu tư dự án, đại biểu Đỗ Xuân Trịnh, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy nêu ý kiến, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính dù thành phố đã xếp thứ hạng cao so với các địa phương khác trên cả nước, bởi trong thực tế triển khai, đây vẫn là một trong những rào cản hạn chế sự phát triển. Ngoài việc đơn giản, minh bạch thủ tục hành chính, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp đầu tư để hạn chế thời gian phải xử lý trình tự thủ tục trong triển khai đầu tư dự án, bởi càng mất nhiều thời gian giải quyết, chi phí của dự án càng phát sinh nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục