Giải pháp lâu dài tránh xảy ra sự cố Đường sắt Bắc – Nam

11:18' - 27/05/2024
BNEWS Sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh được lực lượng ngành đường sắt phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị khẩn trương khắc phục, nỗ lực thông hầm trong thời gian sớm nhất.

Thiệt hại về kinh tế, sự bất an của người dân khi đi tàu qua các tuyến hầm khác trong tuyến đường sắt Bắc - Nam là không thể tránh khỏi. Do vậy, cần một giải pháp bền vững và lâu dài để tránh các sự cố tương tự xảy ra.

*Không để sạt lở hầm lặp lại

Sau khi xác định được nguyên nhân sạt lở của hầm đường sắt Chí Thạnh và Bãi Gió, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia tư vấn, đề xuất để khắc phục nhằm sớm thông hầm, duy trì hoạt động vận tải trở lại. Cùng với đó, việc chủ động khảo sát, lên các phương án sửa chữa kịp thời không để lặp lại tình trạng sạt lở tương tự như vừa qua là điều cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư thực hiện Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc hạ tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: Để không xảy ra sự cố sạt lở như tại hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh, Ban đã đề ra phương án quan trắc, theo dõi và nắm bắt kịp thời tình hình địa chất tại những khu vực hầm đường sắt.

Từ đây, các cơ quan chuyên môn sẽ có đánh giá, đưa ra dự báo kịp thời về những thay đổi địa chất và nguy cơ sạt lở tại các đoạn đường hầm. Phương án thứ hai là chủ động rà soát, lập phương án sửa chữa, bảo trì tại những đoạn hầm xuống cấp, có nguy cơ cao sạt lở đất đá.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, thời gian gần đây, một số hầm trên tuyến đã từng bước được gia cố, cải tạo như: hầm số 6, số 8 đã được sửa chữa bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm dành cho đường sắt; hầm số 7, số 9, số 10, số 13 đã được sửa chữa năm 2003 trong dự án Cải tạo hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân do Chính phủ Pháp tài trợ (chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa, hư hỏng bằng vỏ hầm mới kết hợp mở rộng kích thước hầm đảm bảo khổ giới hạn).

Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo, được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Nhà nước để sửa chữa hầm xung yếu. Hiện trên tuyến đường sắt Bắc – Nam còn 12 hầm đã xuống cấp nhưng ở mức độ nhẹ hơn, dự kiến sẽ được sửa chữa vào kỳ trung hạn tới.

Bên cạnh việc sớm triển khai sửa chữa hầm đường sắt, đơn vị quản lý vận hành cũng chủ động thực hiện các giải pháp an toàn chạy tàu. Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng (đơn vị quản lý hệ thống đường sắt qua các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) cho biết, đơn vị đã thực hiện đại tu kết cấu đường sắt trong hầm 14; xây dựng hệ thống cống gom nước 2 bên tường hầm để giảm thiểu thiệt hại do nước ngầm rò rỉ.

Để sửa chữa, nâng cấp kết cấu tường và vòm hầm cần có đội ngũ chuyên môn và nguồn kinh phí lớn nên đơn vị đề xuất các cấp trên nghiên cứu, có giải pháp. Hàng ngày, công ty cử các nhân viên trực hầm liên tục đi trên tuyến để kiểm tra lại các thanh ray, tà vẹt, kết cấu trong hầm nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.

*Xây dựng đường sắt hiện đại

Việc thông suốt giao thông trên tuyến đường sắt Bắc – Nam qua các hầm Bãi Gió và Chí Thạnh mới chỉ là bước đầu. Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang tiếp tục thăm dò địa chất; đề xuất các giải pháp lâu dài và bền vững hơn để đảm bảo tuyệt đối an toàn trên bề mặt của các hầm.

Để tìm ra giải pháp tránh các sự cố sạt lở tương tự như hầm Chí Thạnh và hầm Bãi Gió, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức một hội thảo đánh giá toàn diện hiện trạng, nguyên nhân và tham vấn ý kiến về cách khắc phục của các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó, ngành đường sắt sẽ xây dựng một phương án hiệu quả để thực hiện việc gia cố, cải tạo, nâng cấp các tuyến hầm đường sắt Bắc – Nam một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "May mắn là những sự cố vừa qua không ảnh hưởng đến tính mạng con người. Ngành đường sắt đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc qua sự cố sạt lở hầm Bãi Gió và Chí Thạnh. Chúng tôi sẽ có những giải pháp chủ động hơn, rà soát và kiểm đếm tất cả các tài sản cầu, hầm kiến trúc có tuổi thọ lâu năm và có nguy cơ mất an toàn. Điều này nhằm triển khai các biện pháp gia cố trước, tránh tình trạng bị động khi sự cố xảy ra".

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu lớn nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục “xương sống”, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế.

Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm túc, công phu trong thời gian dài. Từ năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã trình Bộ Chính trị phương án đầu tư một tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng kinh phí hơn 67 tỷ USD.

Tuy nhiên, vì điều kiện nguồn vốn tại thời điểm đó chưa đảm bảo nên Bộ Giao thông Vận tải chưa thể thực hiện được. Mặt khác, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải được đầu tư đồng bộ rồi mới đưa vào khai thác nên không thể đầu tư từng đoạn như tuyến đường bộ cao tốc.

“Đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, nước ta có đủ điều kiện về nguồn lực để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với phương thức điện khí hóa. Đây là phương thức vận tải xanh duy nhất có thể thực hiện được, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần đưa khí phát thải carbon về zero và thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy chia sẻ.

Phải thừa nhận từ thực tế rằng so với các lĩnh vực giao thông khác, đường sắt đang bị “bỏ lại phía sau” bởi hạ tầng kỹ thuật lạc hậu. Sau sự cố sạt lở hầm đường sắt liên tục vừa qua càng minh chứng cho nhận định đó. Việc Đảng, Nhà nước định hướng chủ trương đầu tư tuyến đường sắt hiện đại là rất đúng đắn. Đây là giải pháp căn cơ, bền vững để những chuyến tàu luôn được thông suốt trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục