Báo động an toàn hầm đường sắt Bắc - Nam

11:16' - 27/05/2024
BNEWS Chưa đầy một tháng qua, tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh (đường sắt Bắc – Nam) đã hai lần bị “tê liệt” vì sạt lở tại hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) và Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên).

Thiệt hại từ những sự cố này đã thấy rõ khi ngành đường sắt đã phải tốn hàng chục tỷ đồng để khắc phục; hàng vạn hành khách đi tàu phải trung chuyển qua hai điểm sạt lở để tiếp tục hành trình. Không chỉ có thế, các chuyến tàu chở hàng cũng buộc phải dừng bánh, chậm trễ… Các sự cố sạt lở hầm đường sắt đã khẩn trương được khắc phục để thông tuyến. Nhưng đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt, nguy cơ tiếp tục sạt lở hầm đường sắt trên tuyến Bắc – Nam vẫn còn có thể xảy ra.

Vậy đâu là nguyên nhân chính và cần phải làm gì để đường sắt Bắc – Nam luôn được thông suốt trước thực tiễn đã xảy ra các sự cố sạt lở hầm đường sắt tại các tỉnh Miền Trung, nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài liên quan đến vấn đề này.

Bài 1: Báo động an toàn hầm đường sắt

Trong quá trình thi công cải tạo, sửa chữa, hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, do những tác động trực tiếp, hiện tượng sạt lở đã diễn ra. Sự cố này đã gây ách tắc giao thông nhiều ngày, tốn kinh phí cho công tác khắc phục, hàng vạn hành khách bị ảnh hưởng. Không chỉ những hầm đường sắt này bị ảnh hưởng mà nguy cơ sạt lở những hầm khác vẫn hiện hữu.

 

*Không lường được sạt lở

Tuyến đường sắt Bắc – Nam có 27 hầm thuộc địa phận từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Khánh Hòa. Các hầm này được xây dựng và đưa vào khai thác cách đây gần 100 năm (xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến năm 1936), được thiết kế, thi công theo các tiêu chuẩn và công nghệ đơn giản trong giai đoạn đó.

Tình trạng chung hiện nay là vỏ hầm bằng bê tông hoặc đá hộc xây bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khai thác chạy tàu. Các hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) và hầm Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) đang được thi công sửa chữa, nâng cấp thì xảy ra sạt lở với khối lượng đất đá khá lớn.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh cho biết: Nguyên nhân sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh tương tự nhau. Các hầm này đã có thời gian khai thác, sử dụng lâu năm nên xuống cấp nghiêm trọng.

Tầng địa chất tại khu vực này bị phong hóa lâu ngày cùng với thời tiết thường xuyên có mưa dẫn đến lớp đất, đá trên hầm mềm nhão, không ổn định và gây nên hiện tượng sạt lở trong quá trình thi công sửa chữa, cải tạo.

Sau khi sạt lở xảy ra, hàng trăm kỹ sư, công nhân đã thực hiện khắc phục khẩn cấp với các giải pháp khác nhau. Tại hầm Chí Thạnh, công nhân sử dụng khoan neo tạo ô vào phía sau vỏ hầm để bơm vữa gia cố lớp đất đá phía sau vỏ hầm; lắp dựng khung chống đỡ bằng thép hình uốn tỳ vào vỏ hầm, phun bê tông để gia cố kết cấu vỏ hầm; phun vữa xi măng từ các lỗ khoan (được khoan từ trên xuống) vào khối sụt bở rời phía trên đỉnh hầm để cố kết đất đá rời rạc có xu hướng sụt xuống.

Sau khi bê tông neo và kết cấu vỏ hầm được gia cố chắc chắn, sẽ tiến hành đào khối đất sụt; sửa chữa đường sắt trong hầm...

Trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, một số hầm khác cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận thực tế tại hầm số 14 (đi qua khu vực đèo Hải Vân, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) với chiều dài hơn 940 m. Bên trong hầm đã bị phong hóa, xuống cấp, khắp nơi đều có tình trạng thấm dột, ướt đẫm.

Trên nóc hầm bằng bê tông xuất hiện nhiều vết nứt, nước chảy xuống thành dòng. Đặc biệt ở giữa hầm, còn khoảng 100 m không có vòm hầm bê tông mà chỉ có vòm bằng đá tự nhiên. Hai bên tường hầm có nhiều ô tránh tàu để những người trực gác trú tạm khi tàu chạy qua, nhưng nước dột đã đọng thành vũng trong các ô tránh tàu...

Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, trong quá trình gia cố, sửa chữa, các đơn vị không lường hết mọi yếu tố liên quan nên xảy ra sự cố. Vị trí bị sự cố sạt lở rơi vào đúng vị trí không phải mũi khoan thăm dò, có xảy ra bục vỏ hầm. Qua xử lý sự cố này, cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới; xem xét phương pháp gia cố, cố kết đỉnh hầm trước khi đục vào vỏ hầm để tránh gây sạt lở...

Việc duy tu, sửa chữa và quản lý các hầm đường sắt cần được thực hiện thường xuyên, bao gồm cả việc trắc địa, khảo sát và theo dõi các biến dạng hoặc dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn cho quá trình thi công và cả các chuyến tàu vận hành.

Đặc thù của đường sắt vừa thi công vừa chạy tàu và không được thi công đồng thời các công trình trong một khu gian nên thời gian thi công thực tế chỉ được khoảng 2,5 tiếng/ngày (dừng tàu chỉ được 04 tiếng/ngày). Thực tế khi sửa chữa hầu hết các hầm đều có sạt lở nhưng với quy mô nhỏ. Riêng các hầm khu vực Nam Trung Bộ như hầm Bãi Gió, Chí Thạnh có địa chất phức tạp nên sạt lở lớn hơn.

*Thiệt hại “kép”

Sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh khiến cho vận tải trên tuyến Bắc – Nam bị ách tắc trong nhiều ngày. Điều này gây thiệt hại lớn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) với riêng sự cố sập hầm Bãi Gió, chi phí tham gia khắc phục sự cố là hơn 3 tỷ đồng; chi phí thiệt hại trực tiếp do sự cố là 18,7 tỷ đồng; thiệt hại giảm doanh thu ảnh hưởng từ sự cố là 28 tỷ đồng. Tổng thiệt hại cho ngành đường sắt là gần 50 tỷ đồng.

Do sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, ngành đường sắt đã phải thực hiện trung chuyển hàng vạn hành khách bằng xe ô tô để đảm bảo hành trình. Hành khách được hỗ trợ di chuyển từ ga Tuy Hòa (thành phố Tuy Hòa) đến ga La Hai (huyện Đồng Xuân) đều thuộc tỉnh Phú Yên và ngược lại với chiều dai gần 50km để tiếp tục hành trình.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hủy các chuyến tàu SE9, SE10 xuất phát từ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 23/5 đến ngày 29/5; tàu SE42 xuất phát tại ga Nha Trang từ ngày 24/5 đến ngày 29/5 và tàu SE41 tại ga Đà Nẵng từ ngày 25/5 đến ngày 30/5 cũng bị bãi bỏ. Ngành đường sắt cũng đã tạm dừng 10 tàu chở hàng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Tuyến hầm đường sắt Chí Thạnh giao chéo bên dưới với tuyến đường bộ ĐT.641 tại Km1+400, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, đường bộ và ảnh hưởng an toàn giao thông tại khu vực. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên phải cấm các loại phương tiện không được lưu thông qua khu vực Đèo Thị từ Km0+900 đến Km1+500 tuyến ĐT.641, trừ xe hai bánh. Các phương tiện giao thông khác buộc phải di chuyển các hướng khác theo phân luồng của Cảnh sát giao thông địa phương.

Theo ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh, sau khi xảy ra sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, đơn vị phải huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực trong và ngoài ngành đường sắt để tập trung công tác khắc phục, sửa chữa. Việc thực hiện cũng khẩn trương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho công nhân. Ngành đường sắt vẫn chưa thể tính toán được thiệt hại do sạt lở gây ra.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, việc liên tiếp xảy ra sạt lở đường hầm cũng làm giảm lòng tin của người dân vào chất lượng dịch vụ và an toàn khi đi tàu hỏa. Ông Nguyễn Văn Trung là hành khách đi tàu từ Tp. Hồ Chí Minh về tỉnh Nghệ An. Khi đến ga Tuy Hòa thì gặp sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh nên phải trung chuyển bằng xe ô tô để tiếp tục hành trình.

Dù có vất vả, ông Trung mọi người trong gia đình đều thông cảm vì đây là sự cố ngoài ý muốn, do thiên tai. Tuy nhiên, ông cũng hết sức lo lắng khi trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra hai vụ sạt lở hầm đường sắt tại Khánh Hòa và Phú Yên. Điều đáng lo ngại, nếu sạt lở xảy ra lúc tàu đang chạy qua hầm thì hậu quả sẽ nặng nề hơn.

Qua hai sự cố sạt lở hầm đường sắt tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên, điều thấy rõ là cần những giải pháp lâu dài, bền vững để đảm bảo kết cấu các đường hầm. Điều này giúp cho tuyến đường sắt huyết mạch Bắc – Nam luôn được thông suốt. Khi việc vận chuyển hàng khách bằng đường sắt đang được chú trọng đầu tư, niềm tin về sự an toàn cho hành khách khi đi tàu cũng rất cần được củng cố.

Còn tiếp, bài cuối: Giải pháp lâu dài tránh xảy ra sự cố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục