Giải pháp nào cải thiện chất lượng nguồn cung và cuộc sống cho người lao động?

17:10' - 06/10/2022
BNEWS Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III năm 2022 tiếp tục đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2022 tiếp tục tăng.
Đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân của người lao động trên cả nước đạt 6,7 triệu đồng/tháng. Đó là những điểm sáng trong bức tranh thị trường lao động của cả nước trong quý III/2022.

* Thị trường lao động phục hồi

Tại họp báo thông tin về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm nay, tổ chức sáng 6/10, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, trong quý III và 9 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả tăng trưởng cao (13,67%), là một trong hai quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; xuất nhập khẩu tăng 15,1%; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang lấy lại đà tăng trưởng; chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả… Do vậy, đã góp phần giúp thị trường lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước, thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đối với thị trường lao động trong nước.

Thị trường lao động chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô của lao động có việc làm ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội. Ba vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19 trong năm 2021 đã ghi nhận mức phục hồi mạnh. Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255.200 người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

“Thị trường lao động đã phục hồi khá tốt với số người có việc làm trong quý này tăng mạnh và đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho hay.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế xã hội. Điều này có thể thấy qua sự tăng trở lại của lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở các vùng, đặc biệt ở hai vùng còn nhiều khó khăn là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Ba vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong quý III/2021 là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã ghi nhận sự phục hồi mạnh trong quý III năm nay.

Theo Vụ trưởng Phạm Hoài Nam, thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực và mang tính bền vững với mức tăng trưởng khá ở quy mô lao động có việc làm chính thức, tỉ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm.

Trong quý III/2022, số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người, tăng 642.800 người (tương ứng tăng 3,8%) so với quý trước, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019.

Tốc độ tăng của lao động chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động phi chính thức phi nông nghiệp trên 2 điểm phần trăm. “Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động. Tuy chưa trở về bằng thời điểm cùng kỳ trước khi dịch COVID-19 xuất hiện nhưng tình trạng thiếu việc làm vẫn tiếp tục được cải thiện”, ông Nam nhấn mạnh.
 
* Thu nhập tăng

Trong năm 2022, thu nhập của người lao động trong quý I vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên mức tăng quý này chưa cao như mọi năm.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2022 đạt 6,7 triệu đồng/tháng, tăng 143.000 đồng so với quý II và tăng đến 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, với thu nhập bình quân của người lao động quý III/2022 tăng cao, tăng 14,5% (tương ứng tăng khoảng 854.000 đồng).

Tính chung 9 tháng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng (tăng 727.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Ngoài ra, trong quý III, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong 3 khu vực kinh tế.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,7 triệu đồng, tăng 31,9%, tăng tương ứng khoảng 1,9 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng, tăng 29,4%, tăng tương ứng khoảng 1,8 triệu đồng.

Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng, tăng 16,6%, tăng tương ứng khoảng 558.000 đồng.

Nếu so sánh giữa các vùng, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất. Thống kê cho thấy quý III/2022, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 8,6 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng (tăng 53,0%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lao động làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất đạt 9,2 triệu đồng, so với 5,7 triệu đồng cùng kỳ năm ngoài (tương đương mức tăng 60,3%). Còn lao động làm việc tại Bình Dương có mức thu nhập là 8,9 triệu đồng (tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Ngoài ra, quý III cũng ghi nhận một số tỉnh có thu nhập bình quân của người lao động trong quý III năm 2022 tăng cao: Quảng Nam đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 440.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái); Thừa Thiên - Huế đạt 6,0 triệu đồng (tăng 338.000 đồng); Hà Nội đạt 9 triệu đồng (tăng 278.000 đồng)...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến người lao động theo nhiều hình thức, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu nhập mà còn khiến nhiều lao động thay đổi địa điểm làm việc, chuyển đổi công việc, ngành nghề.

Do vậy, trước mắt, để đảm bảo nguồn cung lao động ổn định trở lại, các địa phương cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định.

Bên cạnh đó, để tiến tới ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện thu nhập người lao động, nâng cao đời sống người dân.

Ông Phạm Hoài Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn cung lao động, từ đó, cải thiện năng suất lao động. Theo đó, các địa phương đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp nguồn lao động kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng và khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, phúc lợi, để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài. Đây là giải pháp thiết yếu, cải thiện về chất lượng cuộc sống thực sự cho người lao động.

“Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác để phát triển kinh tế, tạo ra một thị trường hàng hóa nói chung và thị trường lao động nói riêng có tính cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, tạo cơ hội công bằng cho tất cả người lao động”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục