Giải pháp nào cho rủi ro thiên tai ở Việt Nam?

17:24' - 05/03/2017
BNEWS Việt Nam áp dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính để ứng phó với thiên tai như dự phòng ngân sách, dự trữ Nhà nước... Tuy nhiên, các nguồn tài chính hiện có rất hạn chế.
Hàng năm, mưa lũ thường gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 tại Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) vào cuối tháng 2/2017, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”.

* Cần thiết phải xây dựng giải pháp tài chính mới để ứng phó rủi ro thiên tai

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính Việt Nam) cho biết, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trong vòng 10 năm (2005-2014), khu vực này đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên (chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu). Gần 500.000 người đã thiệt mạng, 1,4 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên (chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu). Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD (tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra).

Trước thực trạng đó, thời gian qua, các nền kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng đã chú trọng xây dựng và triển khai các biện pháp về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó có các giải pháp về tài chính như: xây dựng các Quỹ thiên tai quốc gia; sử dụng nguồn dự trữ quốc gia, dự phòng tài chính hay thực hiện miễn giảm thuế cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ngoài ra các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm thiên tai cũng đã được áp dụng.

Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng và thực thi các giải pháp tài chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ hiệu quả cho việc phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Do đó, việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết.

* Giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm.

Các nguồn lực tài chính hiện có để đối phó với thiên tai rất hạn chế. Ảnh minh họa: TTXVN

Nghiên cứu mới đây của WB cho thấy, khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số Việt Nam phải chịu nguy cơ bão lũ. Ước tính mỗi năm Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên đến 30,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD) do lũ, bão và động đất. Dự báo, trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40% nguy cơ bị tàn phá do thảm họa thiên tai gây ra, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141,2 nghìn tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do lũ, bão hoặc động đất.

Chính phủ Việt Nam hiện đang có nhiều công cụ tài chính khác nhau để bảo đảm tài chính nhằm ứng phó và khôi phục thiên tai, như dự phòng ngân sách ở trung ương và các địa phương, bố trí lại ngân sách, dự trữ Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm và viện trợ của các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, các nguồn tài chính hiện có để ứng phó và khôi phục thiên tai rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ngân sách. Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương được bổ sung nguồn lực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các công cụ chuyển giao rủi ro mới như bảo hiểm hiện mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Việt Nam hiện chưa có một chiến lược toàn diện nhằm điều phối và tối ưu hóa các nguồn vốn có thể huy động, đặc biệt ở các cấp địa phương.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc cải thiện các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai của Nhà nước thông qua xây dựng mô hình rủi ro thiên tai dành riêng cho Việt Nam và phát triển hơn nữa thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai ở trong nước là việc hết sức cần thiết.

Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thực hiện bảo hiểm thiên tai lồng ghép với các chương trình bảo hiểm do Nhà nước định hướng và nghiên cứu hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hướng bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với một số đối tượng; nghiên cứu, dự thảo văn bản hướng dẫn bảo hiểm trong lĩnh vực xây dựng lắp đặt, trong đó có quy định rủi ro thiên tai là rủi ro được bảo hiểm.

Bộ Tài chính cũng khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nên tiếp tục triển khai các sản phẩm bảo hiểm truyền thống hiện có với rủi ro thiên tai là rủi ro bổ sung; ngoài ra phải tăng cường năng lực tài chính, có chương trình tái bảo hiểm hiệu quả đối với rủi ro thiên tai cùng với việc xây dựng quy trình quản trị rủi ro trong khai thác, bồi thường bảo hiểm rủi ro thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục