Giải pháp nào cho vấn đề cát xây dựng sắp cạn kiệt

10:43' - 18/03/2018
BNEWS Trước nhu cầu cát xây dựng tăng nhanh trong khi nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt bởi khai thác tràn lan, việc chế biến cát nhân tạo, cát nhiễm mặn thành cát xây dựng sẽ là giải pháp thay thế
Cát xây dựng có nguy cơ cạn kiệt. Ảnh minh họa: TTXVN

Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đến 2020 tầm nhìn 2030 dự báo nhu cầu cát xây dựng đến 2020 của cả nước khoảng 130 triệu m3; tổng công suất thiết kế của các cơ sở khai thác, chế biến cát xây dựng đạt khoảng 130-150 triệu tấn/năm. 
Tuy nhiên, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát hàng năm hiện nay đã đạt ngưỡng 130 triệu m3/năm. Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng cát xây dựng những năm qua khiến mất cân đối cung cầu, dẫn tới sự khan hiếm cát xây dựng và giá cát đã tăng lên chóng mặt theo thời điểm. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng trong nước; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo quy định. Đây sẽ là nguồn vật liệu bổ sung cần thiết vì tiềm năng sản xuất cát nhân tạo và tài nguyên cát nhiễm mặn hiện rất lớn. 
Về tình hình xuất khẩu cát nhiễm mặn trong thời gian qua, Bộ Xây dựng khẳng định, thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện dự án nạo vét khơi thông luồng tại các cửa sông, cảng biển có tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đã huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện và thu lại nhiều kết quả tích cực. 
Thống kê sơ bộ từ năm 2013 đến năm 2017 cho thấy, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh đã lập và phê duyệt 40 dự án với khối lượng cát nhiễm mặn tận thu khoảng 250 triệu m3. Trong đó, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 40 dự án và có văn bản hướng dẫn 38 dự án với khối lượng 45,4 triệu m3, bằng 18,16% khối lượng đã được phê duyệt của các bộ, ngành địa phương. Hiện tại có 21 dự án đã triển khai nạo vét và xuất khẩu cát nhiễm mặn, còn lại 17 dự án chưa triển khai. 
Tuy nhiên, việc lập, thẩm định, phê duyệt một số dự án và lựa chọn đơn vị thực hiện dự án còn bất cập và hạn chế, chưa chọn được đơn vị có đủ năng lực triển khai dự án nên thời gian thực hiện kéo dài... 
Trong điều kiện hiện nay, cát sông ngày một khan hiếm, cát ở cửa sông, ven biển rất nhiều. Vì vậy, thời gian qua Bộ Xây dựng đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu sử dụng cát biển trong một số nội dung như: sử dụng làm nguyên liệu để chế tạo bê tông khí chưng áp, làm bê tông và vữa, làm vật liệu san lấp phục vụ chống sạt lở bở biển, mở rộng và tôn tạo đảo và các khu vực ven biển có địa hình trũng, thấp. 
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, chỉ dẫn sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn cho xây dựng bao gồm xác định nguồn cát nhiễm mặn, công nghệ xử lý và hướng dẫn sử dụng, tiêu chuẩn sản phẩm; nghiên cứu các loại phụ gia cho bê tông sử dụng cát biển và nước biển phục vụ cho xây dựng. 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh chia sẻ, hiện nay, ở một số nước trên thế giới đã nghiên cứu, sử dụng cát biển làm cốt liệu cho bê tông, sử dụng trong công trình xây dựng nhưng vẫn cần qua xử lý giảm hàm lượng Clo và đa phần sử dụng cho bê tông không cốt thép, hoặc cốt thép được mạ, cốt chịu lực phi kim loại… 
Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng cát biển để làm bê tông và vữa ở Việt Nam bước đầu đang được nghiên cứu, sử dụng thử nghiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm ở nhiều nơi và trên cơ sở kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tế ở Việt Nam thì mới phát triển rộng rãi – Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh khẳng định. 
Trước đây, tại Tp. Hồ Chí Minh đã có nhóm nghiên cứu sử dụng phụ gia dùng trực tiếp cát biển, nước biển để sản xuất bê tông và thực hiện khoảng 15 năm. Loại phụ gia này có tên gọi là CSSB do nhóm nghiên cứu của TS.Nguyễn Hồng Bỉnh chủ trì. 
Tuy nhiên, Hội đồng Khoa học công nghệ đánh giá về dự thảo tiêu chuẩn đối với loại phụ gia này cho thấy, chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng độ bền của bê tông, đặc biệt là tính bảo vệ ăn mòn cốt thép của bê tông sử dụng cát biển, nước biển khỏi ăn mòn khi sử dụng loại phụ gia này. 
Để đưa chất phụ gia CSSB vào ứng dụng, cần được các cơ quan chuyên môn khoa học đánh giá. Để hỗ trợ doanh nghiệp cứu, triển khai sản xuất thành sản phẩm hàng hóa, Bộ Xây dựng khẳng định luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đề xuất các ý tưởng nghiên cứu sử dụng cát biển trong xây dựng. 
Nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu sử dụng cát biển dùng làm cốt liệu sản xuất bê tông và các sử dụng vào công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp cụ thể, trước mắt là ưu tiên bố trí nguồn kinh phí phục vụ các đề tài nghiên cứu khoa học. 
Về lâu dài, Bộ Xây dựng chỉ đạo xây dựng đề án “Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình xây dựng ven biển và hải đảo”; trong đó sẽ có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho việc nghiên cứu và sử dụng cát biển làm vật liệu thay thế cát tự nhiên cho các công trình xây dựng. 
Đồng tình với quan điểm này, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam – Tiến sỹ Thái Duy Sâm cho rằng, cần đẩy mạnh việc chế biến cát nhân tạo, cát nhiễm mặn thành cát xây dựng để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng đang tăng nhanh hiện nay. 
Viện Vật liệu xây dựng cũng đã nghiên cứu chất kết dính hỗn hợp trong bê tông sử dụng nước biển và cát biển nhiễm mặn, có kết quả nhưng mới chỉ là thành quả nghiên cứu bước đầu. Có doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu loại phụ gia khử muối để sử dụng trong bê tông cốt thép có nước biển và cát biển… 
Về công nghệ, hoàn toàn có thể chuyển cát nhiễm mặn thành cát xây dựng để sử dụng bình thường, nhưng về hiệu quả kinh tế cần tính toán thêm – ông Sâm lưu ý. Tuy nhiên, nếu sử dụng được cát nhiễm mặn cho các công trình tại chỗ được kỳ vọng sẽ giúp giá thành của loại vật liệu này ổn định./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục