Giải pháp nào để dỡ bỏ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển?

08:23' - 17/09/2017
BNEWS BNEWS đã phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các giải pháp để dỡ nút thắt và xóa rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Mặc dù “kim chỉ nam” cho sự phát triển kinh tế tư nhân đã rõ ràng và Chính phủ đã tích cực vào cuộc với quyết tâm cao nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản đang cản trở sự phát triển cho khu vực này. Cụ thể như còn tồn tại rất nhiều các điều kiện kinh doanh hay các giấy phép “con”, giấy phép “cháu” đang cản trở khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Vậy làm thế nào để dỡ nút thắt và xóa rào cản cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển ?

Cùng bàn về chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

BNEWS: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển trong thời gian qua? 

Ông Phan Đức Hiếu: Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn thể hiện qua các thông điệp của Thủ tướng, hay Nghị quyết các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, hay các nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết 19, 35 về các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp….

Cá nhân tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi trong cải cách môi trường kinh doanh và sự quyết tâm của Chính phủ, các Phó Thủ tướng. Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi thấy các doanh nghiệp cũng đã cảm nhận được phần nào.

Tuy nhiên, theo tôi việc hỗ trợ thúc đẩy cho khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng và có thể chưa đáp ứng được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cũng như mong muốn của doanh nghiệp.

BNEWS: Từ kết quả của báo cáo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới công bố về điều kiện kinh doanh, theo ông những điều kiện kinh doanh hay những giấy phép con ảnh hưởng thế nào tới các doanh nghiệp tư nhân ? 

Ông Phan Đức Hiếu: Khi chúng tôi rà soát hơn 4.000 điều kiện kinh doanh, cá nhân tôi cũng đã đọc hết các điều kiện này. Đặt vai mình vào vai các doanh nghiệp, sau khi đọc về các điều kiện kinh doanh, tôi cảm thấy nản nếu phải lo làm sao để đáp ứng được với các điều kiện kinh doanh này. 

Về tác động của các điều kiện kinh doanh, báo cáo của chúng tôi nêu rõ 5 tác động chính gây nhiều bất lợi đối với doanh nghiệp từ các điều kiện kinh doanh không hợp lý. Cụ thể: Tạo rủi ro trong kinh doanh; hạn chế gia nhập thị trường; hạn chế sự sáng tạo trong kinh doanh; làm méo mó cạnh tranh, tạo sự độc quyền về mặt chính sách và cuối cùng tạo sự bất lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì cùng một quy định nhưng nó phù hợp với doanh nghiệp lớn nhưng lại bất lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

BNEWS: Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF), có tới 44% doanh nghiệp cho biết đã từng bỏ lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và các quy định hạn chế thị trường. Ông bình luận gì về kết quả trên? 

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng con số khảo sát trên hoàn toàn có cơ sở và có thể tin tưởng được. Nếu như chúng ta xem xét các điều kiện kinh doanh một cách tổng thể sẽ thấy tác động đến các doanh nghiệp như thế nào.

Hiện Việt Nam có nhiều quy định không theo thông lệ quốc tế. Rất nhiều quy định không hợp lý như các quy định về vốn tối thiểu hay vốn pháp lý (ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, quy định về mở trường cao đẳng đòi hỏi phải có 50 tỷ đồng, trường đại học phải có 100 tỷ đồng…), hay đặt ra các yêu cầu về nhân lực như phải có 5 năm kinh nghiệm…

Tất cả các chuẩn mực như vậy đặt ra các rào cản không thể giải thích được và không phù hợp. Điều đáng tiếc là các quy định như vậy không hề ít. Theo thống kê của chúng tôi có thể cắt giảm đến hơn 50% các điều kiện không hợp lý và có thể bãi bỏ càng sớm càng tốt các điều kiện này. Việc tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp như vậy nên kết quả khảo sát của Diễn đàn kinh tế tư nhân là điều dễ hiểu.

BNEWS: Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh tại các Bộ, ngành được cho là gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Ông có thể khái quát về những điều kiện kinh doanh nào sẽ được dỡ bỏ theo đề xuất?

Ông Phan Đức Hiếu: Qua rà soát sơ bộ, có thể liệt kê một số nhóm rào cản có thể gỡ bỏ. Cụ thể, các điều kiện kinh doanh đặt ra rào cản về các quy định gia nhập thị trường như yêu cầu doanh nghiệp phải có 2 người trở lên mới được kinh doanh, hay đặt ra các yêu cầu về vốn tối thiểu…. Các điều kiện kinh doanh đặt ra các yêu cầu về công suất tối thiểu, quy mô kinh doanh, số lượng, về năng lực sản xuất….

Đây là những điều kiện bất lợi với doanh nghiệp và tạo ra các rào cản cho hoạt động kinh doanh, tạo ra rủi ro như hạn chế kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp. Các điều kiện này cần được gỡ bỏ.

BNEWS: Việc rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh liên quan đến rất nhiều bộ ngành khác nhau. Vậy theo ông trong quá trình rà soát cắt giảm có những ý kiến trái chiều nào từ các bộ, ngành ?

Ông Phan Đức Hiếu: Để cải cách môi trường kinh doanh và cắt giảm các điều kiện kinh doanh không hợp lý đúng là việc không dễ. Việc cải cách và cắt giảm các điều kiện kinh doanh không phải bây giờ mới thực hiện mà bắt đầu từ nhiều năm trước. Trong quá trình thực hiện từ trước tới nay vẫn thường vấp phải các ý kiến khác nhau từ các bộ ngành và chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Chính vì vậy, lần này nếu không có quyết tâm cao, không có sự áp đặt từ trên xuống thì rất khó có thể thực hiện được.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục