Giải pháp nào để người dân không lệ thuộc cây ATM?

14:23' - 04/12/2020
BNEWS Việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ hội nhập, thời kỷ nguyên số là xu thế tất yếu.
Tại Bình Dương, việc bổ sung và phát triển cây ATM là cần thiết trong giai đoạn trở về trước, tuy nhiên, trong xu hướng và bối cảnh Việt Nam hiện nay, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tập trung hướng đến phát triển xã hội không dùng tiền mặt, việc thay đổi tư duy, thói quen của người dân trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt bằng cách hạn chế dần việc đầu tư, phát triển hệ thống ATM liệu có thể là một giải pháp. 

* ATM quá tải

Cứ mỗi dịp trả lương, tình trạng người lao động xếp hàng dài ở mỗi trụ máy ATM (máy rút tiền tự động), và việc ATM thường xuyên hết tiền, trục trặc, quá tải... là hình ảnh thường nhật diễn ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tại một cây ATM trên đường Quốc lộ 13, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Gia Hoàn (công nhân một công ty gỗ) khá bức xúc khi từ chiều anh đã đi nhiều cây ATM để rút tiền nhưng máy thì báo lỗi, máy thì báo hết tiền, đến khi tìm được cây ATM có tiền thì phải xếp hàng chờ rút tiền lương của mình.

Anh Hoàn cho biết, giờ thời buổi công nghệ, anh rất muốn giản tiện khỏi rút tiền mặt ra dùng, nhưng nhiều chi phí sinh hoạt như đóng triền trọ, đi mua bán tạp hóa nhỏ lẻ cần dùng tiền mặt. Ngoài ra, phí rút tiền từ cây ATM khoảng 1.000 đồng/lượt rút, còn tiền chuyển khoản khác ngân hàng lại gần 10.000 đồng/lần, nhiều lần chuyển sẽ mất một khoản không nhỏ. 

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước với 1,2 triệu lao động, hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Hiện, tỉnh có 67 chi nhánh ngân hàng thương mại và có 766 máy ATM.

Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc BIDV, chi nhánh Bình Dương, BIDV có 105 máy ATM trên địa bàn tỉnh luôn hoạt động hết công suất vào những ngày cao điểm, mỗi một máy ATM chứa hạn mức tối đa là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân rút chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ là hết tiền. Việc các trụ ATM liên tục hoạt động cũng dẫn đến máy móc tự quá tải dẫn tới những sự cố trục trặc kỹ thuật, nghẽn mạng, chuyển mạch chậm, trục trặc lỗi đường truyền.

Cùng với đó, việc cung ứng tiền vào cho các trụ máy cần nhiều khâu bảo vệ và bảo mật, vị trí các máy ATM đặt tại các khu công nghiệp nằm xa trụ sở ngân hàng nên xe chở tiền và nhân viên chuyên trách phải mất 3 – 4 giờ làm thủ tục nhận, di chuyển tiền mới kịp tiếp quỹ. Mọi nỗ lực của ngân hàng không thấm vào đâu so với nhu cầu rút tiền tại các máy ATM.

Ngoài ra, có rất nhiều ngân hàng chỉ phát hành thẻ mà không có cây ATM, chỉ trong năm 2019, tỷ trọng thẻ ngân hàng khác rút tại máy ATM của BIDV chiếm gần 50% so với số lượng thẻ BIDV đã phát hành cũng là một nguyên nhân khiến các cây ATM luôn trong tình trạng nhanh hết tiền.

Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Vietcombank, chi nhánh Bình Dương cũng cho biết, việc đầu tư, lắp đặt một trụ ATM tốn kém rất nhiều chi phí, từ khâu đặt mua máy và các thiết bị đến việc thuê mặt bằng, xây dựng phòng máy, bố trí đội ngũ vận hành và đội ngũ kỹ thuật bảo dưỡng, sữa chữa máy của bên đối tác thứ ba, cùng với đội ngũ bảo vệ, cũng như để duy trì hoạt động và đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt để phục vụ cho toàn thể người dân thì các ngân hàng cần chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn. Qua đó, nếu nhìn ở góc độ xã hội, có thể thấy đã gây ra một sự lãng phí không nhỏ về nguồn lực xã hội

Cũng theo Bà Đặng Thị Hương, việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ hội nhập, thời kỷ nguyên số là xu thế tất yếu và cũng rất phù hợp với quá trình xây dựng Thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương.

* Thay đổi suy nghĩ người dân

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Dương khẳng định, thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của cả nền kinh tế, bởi không đơn giản chỉ là một phương thức thanh toán mà đằng sau nó còn là bao nhiêu vấn đề xã hội khác như: chống tham nhũng, chống gian lận thương mại, tiết kiệm chi phí in tiền cho các hoạt động đầu tư phát triển khác... cũng như hạn chế được tình trạng quá tải tại các trụ ATM.

Vì thế, thói quen sử dụng tiền mặt cần phải được loại bỏ vì một xã hội văn minh, hiện đại hơn và càng có ý nghĩa to lớn khi thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống sự lây truyền của dịch bệnh COVID -19 đang còn diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Trong những năm qua, Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với việc triển khai nhiều phương thức thanh toán như: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, chuyển khoản, Internet bankimg, Mobile banking, QR code, các mô hình ví điện tử...

Tuy nhiên, do địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu là công nhân lao động, trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, công nhân lao động vẫn chưa có nhiều thông tin truyền thông về hình thức thanh toán không tiền mặt, các ứng dụng của việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa gần gũi thiết thực với tầng lớp công nhân.

Anh Đinh Công Nghĩa, công nhân Khu công nghiệp VSIP quan tâm đến các chi phí nảy sinh trong quá trình sử dụng thanh toán không tiền mặt. Anh lo sợ khi mới đầu kích cầu phương thức thanh toán không tiền mặt thì các ngân hàng, các đơn vị mời miễn phí, không mất tiền. Tuy nhiên, khi sử dụng các dịch vụ thẻ, các phương thức thanh toán không tiền mặt về lâu dài sẽ bị trừ các khoản chi phí duy trì thẻ, các dịch vụ thu hộ.

Ngoài ra, tâm lý của hầu hết các công nhân như anh Nghĩa là sợ mất tiền, thích cầm tiền mặt hoặc quy đổi qua vàng. Anh Nghĩa còn tỏ ra băn khoăn sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ điện thoại và thẻ, và vướng vào những vấn đề về bảo mật thông tin.

Chủ tịch công đoàn công ty TomBow Việt Nam Đinh Thị Thoa cho biết, các công nhân chủ yếu sống ở các khu nhà trọ và mua bán đồ dùng, các thiết bị ở chợ lân cận, việc mua đồ trong các siêu thị giá vẫn quá cao so với công nhân lao động. Muốn công nhân sử dụng hình thức thanh toán này, các khu chợ, các tạp hoá bán hàng nhỏ lẻ, chủ nhà trọ... cần phải được số hoá và có nền tảng trong giao dịch thanh toán không tiền mặt.

Theo ông Võ Đình Phong, Các ngân hàng thương mại (NHTM) thời gian qua cũng đã chú trọng xây dựng và cải thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ ATM, POS. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 POS đặt nhiều tại các cửa hàng, siêu thị…

Để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, một số chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn sẵn sàng thực hiện ưu đãi lắp đặt máy POS cho một số đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian đầu thực hiện. Một số chi nhánh, tổ chức tín dụng lớn cũng đã có nhiều hình thức ưu đãi, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lắp đặt máy POS như: miễn giảm phí giao dịch qua POS, miễn công lắp đặt, miễn phí trong giai đoạn đầu sử dụng..

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời, tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn.

Cùng với đó, đẩy nhanh việc hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại, để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.

Mặt khác, tăng  cường  các  hoạt  động  marketing  hướng  dẫn  khách hàng  mở  tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ thanh toán cho cộng đồng, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã có quyết định thực hiện giải pháp áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính; chấp thuận chủ trương mở và sử dụng tài khoản ngân hàng chung cho các sở, ban, ngành các cấp một tài khoản ngân hàng để nhận thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục