Giải pháp nào gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh?

11:13' - 26/08/2021
BNEWS Nhiệm vụ cho những tháng còn lại của năm 2021 hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của toàn ngành để đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.

Nhằm hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2021, tại văn bản số  5119/BCT-KH ngày 23/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra cho toàn ngành phải thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương đánh giá, tình hình hình kinh tế - xã hội cũng như sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mặt bằng giá cả ở tăng cao, nhất là xăng dầu, sắt thép, phân bón, vật liệu xây dựng, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh; sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam bị đình trệ.

Cùng với đó, xuất khẩu có xu hướng chậm lại, cán cân thương mại tạm thời nhập siêu; tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giảm sút... Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành công thương.

Văn bản cũng nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2021 hết sức nặng nề, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu vượt bậc của toàn ngành để thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2021.

Căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp - thương mại 7 tháng năm 2021 và triển khai thực hiện phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 (Nghị quyết số 88/NQ-CP), Bộ yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, phát huy những kết quả đạt được, nghiên cứu, đổi mới tư duy, cách làm, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng những ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay.

Các đơn vị của Bộ Công Thương căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo rà soát, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Tích cực đi sâu, đi sát, bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách phù hợp, sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Cùng đó, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ngoài ra, tiếp tục tập trung nguồn lực vào hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực; xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với kiểm tra, giám sát, đôn đốc nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Các đơn vị cũng đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để nâng cao trách nhiệm và vai trò, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ trong thực thi công vụ, chú trọng hậu kiểm, cá thể hóa trách nhiệm.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh khôi phục lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện an toàn. Cùng đó, bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý các khó khăn trong lưu thông hàng hóa kịp thời. Điều này nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các Sở Công Thương cũng được yêu cầu phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết; hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục