Phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

17:32' - 25/08/2021
BNEWS Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng như phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng như phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với mục tiêu, bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người góp phần phòng chống dịch.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, để triển khai hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/1/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương đánh giá một cách toàn diện.
Theo đó, trong tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã rà soát để tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm.

Quá trình rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến vướng mắc trong thực hiện Luật An toàn thực phẩm từ ngành công thương địa phương cho thấy, khó khăn nổi cộm hiện nay chủ yếu do thiếu biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cấp.
Hơn nữa, hầu hết không có người chuyên trách thực hiện nhiệm vụ về an toàn thực phẩm mà hầu hết là kiêm nhiệm.

Trình độ chuyên môn đa số không phù hợp, chỉ học hỏi thêm, hoặc qua các lớp đào tạo ngắn hạn. Kinh phí dành cho thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn thực phẩm còn rất hạn chế....
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp, đánh giá các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan để kiến nghị Chính phủ trong việc hoạch định chính sách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Để sớm đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tổng kết để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Mặt khác, Bộ phổ biến các chính sách, pháp luật mới về an toàn thực phẩm; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh khách quan việc quản lý của các cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm của ngành tại địa phương.
Kết quả đã góp phần tạo dư luận tốt trong xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.

Điều này nhằm huy động nguồn lực của xã hội, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Cùng với đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể; phát huy vai trò, sự vào cuộc của các cấp hội trong tuyên truyền, vận động và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xã hội hóa kiểm nghiệm thực phẩm, phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.
Theo đó, đến nay Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước; trong đó, có 13 cơ sở ngoài công lập; 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu; 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Hoạt động này đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kể từ khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã thay đổi căn bản, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã tập trung các nguồn lực cho hậu kiểm và các cơ quan quản lý trong ngành thường xuyên tổ chức lấy mẫu để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ có biện pháp xử lý.
Để cụ thể hóa cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm hàng năm.
Đặc biệt, Bộ đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm 4 tỉnh, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thành lập đoàn liên đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra  quản lý an toàn thực phẩm của Sở Công Thương 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ nay đến hết năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục