Giải pháp nào quản lý thị trường trên nền tảng số và thương mại truyền thống?

15:57' - 01/04/2021
BNEWS Kể từ ngày 1/4/2021 đến hết tháng 12/2025, lực lượng quản lý thị trường tập trung đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ ngày 1/4/2021 đến hết tháng 12/2025, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai việc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thương mại truyền thống và trên nền tảng số.

Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị. Không những thế, các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm nhãn hiệu như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton…, tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ.

Với việc triển khai quyết liệt và đổi mới phương thức kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường theo Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT ngày 29/11/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2020, tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây; ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, kết quả này vẫn chưa thực sự bền vững. Bởi, tại nhiều địa bàn, tình trạng bày bán công khai các mặt hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Do đó, để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả ban đầu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021- 2025.

Theo ông Trần Hữu Linh, mục tiêu của kế hoạch này là vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với việc ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống cũng như trong thương mại điện tử, các cơ quan, tổ chức quản lý chợ - trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm, làng nghề… Điều này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định: đây là một kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm. Vì thế, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật. Đồng thời, ký cam kết, quy chế phối hợp đối với các cơ sở kinh doanh, sàn thương mại điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn.

Với những kế hoạch cụ thể, dự kiến năm 2021, tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại tại 12 tỉnh, thành lớn sẽ không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, các sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang thương mại điện tử bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, có 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm…

Đặc biệt, đến năm 2022, tất cả cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm trên trong năm 2021 đã bị xử lý theo yêu cầu của chủ thể quyền không tái phạm. Các cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  và không tái phạm.

Cùng đó, có 60% các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương (ngoài Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang thương mại điện tử bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado) ký cam kết và thực hiện không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đến năm 2025, các cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mục tiêu này cũng hướng đến tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp triệt phá một loạt cơ sở sản xuất, kho hàng giả mạo những thương hiệu nổi tiếng.

Đơn cử, ngày 30/3, Tổ công tác 368 phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 1 và số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm kém chất lượng được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livestream bán hàng tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 29/3, Đội Quản lý thị trường số 16, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện kho hàng chứa khoảng hơn 3.000 sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Hermes… tại đường Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục