Giải pháp nào quản trị doanh nghiệp gia đình?

21:44' - 31/10/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp gia đình đang đối mặt với không ít thách thức để trở thành mô hình doanh nghiệp đại chúng, mở rộng hợp tác quốc và phát triển bền vững.
Vietjet Air là doanh nghiệp gia đình điển hình. Ảnh minh họa: Vietjet Air

Nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang vươn lên thành những mô hình doanh nghiệp thành công lớn, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với không ít thách thức để trở thành mô hình doanh nghiệp đại chúng, mở rộng hợp tác quốc và phát triển bền vững.

Đây là chia sẻ của các đại biểu tại hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tạp chí Nhà quản trị (TheLEADER) phối hợp với GIBC Group tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 31/10.

*Từng bước khẳng định vị thế

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong tổng số 750.000 doanh nghiệp của cả nước, có tới 76% là doanh nghiệp tư nhân.

Kinh tế đang đóng góp 43% GDP của toàn nền kinh tế. Đáng chú ý, chỉ riêng 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đã đóng góp 25% GDP.

Trong danh sách 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp điển đình như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công...

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, những con số trên đã khẳng định kinh tế tư nhân nói chung, khối doanh nghiệp gia đình nói riêng đang là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP ngày càng tăng và ước tính sẽ đạt 65% vào năm 2030.

Về tạo việc làm, khu vực kinh tế tư nhân đang thu hút trên 83% lực lượng lao động, tương đương trên 45 triệu người. Thu ngân sách từ khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trên 15%/năm.

Về thương mại khu vực kinh tế tư nhân chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp tới 43,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, các dự án VinFast của Tập đoàn Vingroup, dự án đầu tư cảng hàng không Vân Đồn của SunGroup, nhà máy lắp ráp xe Mazda của Trường Hải... không chỉ có giá trị lớn về kinh tế và còn tạo ta hiệu ứng xã hội tích cực, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong tổng số 10.000 hội viên của Hiệp hội có hơn 50% là doanh nghiệp gia đình, thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty ra đời năm 1990.

Thực tế, khác với quan niệm cho rằng mô hình doanh nghiệp gia đình rất khó thành công đã có những doanh nghiệp gia đình có phương thức quản lý chuyên nghiệp, không ngừng phát triển, lớn mạnh và vượt trội hơn so với cấc loại hình doanh nghiệp khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác.

Bà Nguyễn Thị Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Legamex cho rằng, các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam  được hình thành trong quá trình đổi mới từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường và có ưu điểm là phát huy tốt các nghề truyền thống, huy động được nguồn vốn từ gia đình, dòng họ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gia đình cũng có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp của gia đình nên mặc dù phát triển chậm nhưng bền vững.

*Giai đoạn chuyển giao nhiều thách thức

Ông Phạm Phú Trường, Tổng Giám đốc GIBC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đa phần doanh nghiệp gia đình Việt Nam có lịch sử hình thành khá muộn so với mô hình doanh nghiệp gia đình trên thế giới, với quá trình phát triển doanh nghiệp trung bình là dưới 30 năm.

Chính vì vậy, trong khi các doanh nghiệp gia đình lớn trên thế giới đã qua nhiều đời thừa kế thì doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang đứng trước bài toán chuyển giao cho thế hệ thứ 2, một số ở giai đoạn chuyển giao cho thế hệ thứ 3.

Đồng thời, đối mặt với thách thức tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp để nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh hướng đến mô hình doanh nghiệp đại chúng và mở rộng hợp tác quốc tế.

Theo ông Phạm Phú Trường, mặc dù điểm mạnh của doanh nghiệp gia đình là yếu tố tin tưởng, tinh thần trách nhiệm, sự cam kết dựa trên huyết thống và truyền thống cao hơn các công ty bình thường khác.

Doanh nghiệp gia đình cũng có xu thế hoạt động bền vững hơn về tài chính do sự ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích tài chính của các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, những lợi thế trên có thể trở thành điểm yếu nếu các thành viên trong gia trình có giá trị sống quá khác biệt, không hòa thuận, không chung chí hướng.

Thiếu sự trao đổi thông tin và niềm tin là nguyên nhân của 60% doanh nghiệp gia đình chuyển giao không thành công, 25% do thiếu sự chuẩn bị và kế hoạch, 15% do quyết định về tài chính kém, tư vấn về pháp lý không tốt.

Theo đó, để phát triển bền vững, doanh nghiệp gia đình Việt Nam phải thay đổi theo hướng chủ động và tích cực hơn, đặc biệt là ý thức của thế hệ sau trong việc giữ gìn và phát huy cơ nghiệp của gia đình.

Hai yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp gia đình là sự đoàn kết giữa các thành viên vì lợi ích chung của doanh nghiệp và vấn đề quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Các chuyên gia cho rằng, thách thức với doanh nghiệp gia đình hiện nay là lẫn lộn giữa quyền sở hữu và năng lực quản lý.

Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại An chia sẻ, thực tế trong các doanh nghiệp gia đình hiện nay rất ít thuê người ngoài vào vị trí chủ chốt của công ty.

Hoặc, có thuê nhưng can thiệp quá sâu khiến họ không có điều kiện phát huy hết khả năng.

Trong khi đó, những người trong gia đình được đặt vào vị trí lãnh đạo khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm. Điều này gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp gia đình thành công là mạnh dạn lựa chọn những thành viên ngoài gia đình cho những vị trí phù hợp khi cần thiết, đồng thời bồi dưỡng cho thế hệ kế thừa. 

Nói cách khác, doanh nghiệp gia đình dù xuất phát từ nền tảng gia đình nhưng phải xây dựng được tầm nhìn dài hạn, hướng tới những tiêu chuẩn văn hóa, giá trị phù hợp với sự vận động của nền kinh tế mới có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục