Giải pháp nào xuất khẩu hiệu quả sang thị trường Algeria?

16:26' - 15/03/2023
BNEWS Là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi, những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Do đó, theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng để xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này.

Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Algeria là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và nằm ở khu vực Bắc Phi với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi. Đặc biệt, quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt…bởi đây là những sản phẩm mà Algeria không sản xuất được.

Dù là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn. 

Hơn nữa, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu. Đây là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này.

 
Ngoài ra, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Hơn nữa, gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%.

Đáng lưu ý, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân. Đặc biệt, thủy hải sản cũng nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria.

Dù vậy, các chuyên gia thương mại cũng chia sẻ về một số khó khăn trong hợp tác phát triển kinh tế song phương. Chẳng hạn như khoảng cách địa lý giữa 2 nước xa với hơn 10.000 km, chi phí vận chuyển cao, thời gian dài từ 1,5 tháng - 2 tháng với đường biển. Thuế hải quan ở Algeria cao, tổng cộng 83% cùng với việc các nhà đầu tư Algeria ít quan tâm tới thị trường Việt Nam do thiếu thông tin. 

Cùng đó, công ty 2 nước chủ yếu sử dụng phương thức xuất khẩu qua công ty trung gian. Và cuối cùng là rào cản ngôn ngữ, doanh nghiệp Algeria chủ yếu sử dụng tiếng Pháp, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tiếng Anh.

Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho hay, nền kinh tế Algeria chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu khí. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất hàng hóa trong nước, giảm dần tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.

Hơn nữa, Chính phủ Algeria thực hiện chính sách cấm nhập khẩu với những hàng hoá trong nước có thể sản xuất được, chỉ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu.

Riêng ngành công nghiệp thực phẩm của Algeria đang tạo ra 170.000 việc làm, doanh thu xuất khẩu đạt 500 triệu USD và là ngành chiến lược được Chính phủ của Algeria rất quan tâm. Với chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, hiện gần như toàn bộ thực phẩm chế biến như sữa, rau quả đóng hộp, dầu oliu, thịt gia cầm, thịt cừu đều được sản xuất nội địa.

Cũng theo ông Hoàng Đức Nhuận, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước được Chính phủ Algeria liên tục ban hành mới, mức độ ngày một cao. Cụ thể, năm 2023, Algeria tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng phi dầu khí. Bên cạnh đó, Algeria cấm doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu gạo và hạt đậu các loại.

Ngày 9/2/2023, Hiệp hội Các ngân hàng và cơ sở tài chính Algeria (ABEF) đã có công văn gửi giám đốc các ngân hàng và cơ sở tài chính trực thuộc để truyền đạt thông báo của Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu nước này. 

Do vậy, từ nay Cục Liên ngành ngũ cốc Algeria (OAIC) sẽ độc quyền nhập khẩu gạo và hạt đậu các loại, đồng thời cấm các doanh nghiệp tại Algeria được nhập khẩu các sản phẩm trên dù bán lại hay sử dụng. Mục đích của quy định mới này của Algeria là muốn kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ dự trữ ngoại tệ trong nước.

Các mặt hàng thành phẩm khác khi nhập khẩu vào Algeria cần phải xin giấy phép của Cục Xúc tiến ngoại thương Algeria  (ALGEX) với điều kiện mặt hàng đó không có sẵn trên thị trường nước này.

Mặc dù, mặt hàng nhập khẩu bị thu hẹp nhưng một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thô và sơ chế của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Algeria.

Đơn cử mặt hàng cà phê, mỗi năm Algeria nhập khẩu 130.000 tấn cà phê các loại, chủ yếu cà phê thô, cà phê xanh chưa rang xay. Khi nhập khẩu về, các công ty rang xay đồng thời là nhà nhập khẩu chế biến phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và tiêu chuẩn Halal. Tổng thuế phí nhập khẩu cà phê xanh và cà phê chưa rang xay là 63%. Năm 2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Algeria đạt 42.523 tấn, tương đương 85 triệu USD.

Ngoài ra còn có mặt hàng hạt tiêu, nhu cầu nhập khẩu của Algeria khoảng 130 triệu USD, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được 1.324 tấn, đạt 4,3 triệu USD, tổng thuế và phí nhập khẩu loại mặt hàng này là 83%. Hạt điều, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 6,5 triệu USD giá trị mặt hàng này sang Algeria, đây là mặt hàng xa xỉ, thuế nhập khẩu lên tới 83%. Cùng đó là những mặt hàng thủy sản như cá nước ngọt, cá nước lợ, cá basa, cá ngừ và sữa bột…

Thế nhưng, Algeria là quốc gia hồi giáo, người dân không tiêu thụ đồ uống có cồn, thịt lợn, sản phẩm làm từ gia súc gia cầm giết mổ phải có chứng nhận Halal. Vì vậy, việc tìm kiếm khách hàng, ưu tiên tiếp xúc khách hàng trực tiếp tại các hội chợ, hội thảo. Doanh nghiệp trong nước có thể tìm kiếm khách hàng qua thương vụ. Tuy vậy, do văn hóa kinh doanh, với khách hàng Algeria doanh nghiệp cần kiên trì do đối tác chậm trả lời.

Về thanh toán, có 2 phương thức có độ an toàn cao là L/C (thanh toán bằng thư tín dụng hoặc tín dụng thư) không huỷ ngang và nhờ thu qua ngân hàng có đặt cọc ngoài Algeria.

Người dân Algeria thu nhập không cao có nhu cầu với hàng hoá giá cả vừa phải, doanh nhân thường xuyên tham khảo các nhà trung gian quốc tế của Trung đông, châu Âu nên doanh nghiệp cần chào giá hợp lý.

Để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng khả năng hợp tác đầu tư với đối tác Algeria, ngoài các hoạt động chuyên môn, Thương vụ Việt Nam tại Algeria sẽ tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế về nông sản thực phẩm và tổ chức hội thảo giới thiệu thị trường nông sản Việt Nam. Đề nghị doanh nghiệp, hiệp hội trong nước đồng hành cùng thương vụ để tăng hiệu quả của các hoạt động. Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị kết nối giao thương tại các thị trường kiêm nhiệm.

Trước những khó khăn đã được chỉ ra, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria, đề xuất Chính phủ 2 nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, thành lập hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Algeria, kiện toàn và nâng cao vai trò của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và uỷ ban hỗn hợp 2 nước.

Mặt khác, tăng cường nhận thức cộng đồng về tiềm năng hợp tác thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại… giúp doanh nghiệp 2 nước tìm kiếm đối tác tin cậy, vượt qua các trở ngại.

Về phía doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến cáo cần tăng cường liên hệ với cơ quan ngoại giao, bộ ngành, tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. 

Hơn nữa, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, ưu tiên tiếp xúc và giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Algeria. Quan tâm tới tập quán và quy tắc giao dịch thương mại, thiết lập mối quan hệ đối tác liên kết và đầu tư.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nâm tại Algeria cũng đề xuất Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi và Thương vụ Việt Nam tại Algeria tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Algeria nhân dịp Hội chợ triển lãm quốc tế Alger (tháng 6/2023) và tổ chức hội thảo doanh nghiệp hai nước. Các mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Algeria là hạt tiêu, cà phê thô, cá basa, cơm dừa, quế, hồi, hạt điều.

Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đề nghị cần theo dõi tình hình thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh tại các website của Bộ Công Thương như moit.gov.vn hay Vietnamexport.com để cập nhật các chính sách mới cũng như cơ hội kinh doanh tại thị trường Algeria…

Đặc biệt, cần liên hệ với Thương vụ để tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh cũng như nhờ hỗ trợ tư vấn, giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Mặt khác, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần Lưu ý các mặt hàng mà Algeria không hạn chế nhập khẩu là sản phẩm mà nước này không sản xuất được. Chẳng hạn như tiêu, cà phê thô, cá basa, cơm dừa, quế, hồi, hạt điều hay nguyên liệu là gỗ, nhựa, giấy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục