"Giải phóng" đất nông lâm trường - Bài 4: Không thể để mãi cảnh "quýt làm, cam chịu"

14:24' - 19/07/2021
BNEWS Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát, kiểm tra trên địa bàn từng xã để có phương án xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, làm rõ trách nhiệm của từng bên liên quan.

Bày tỏ quan điểm trước những bất cập trong việc trả đất theo kiểu “dễ làm, khó bỏ” của các ban quản lý, công ty nông lâm trường có thể sẽ tiếp tục dẫn tới khiếu kiện, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, đại diện lãnh đạo các địa phương và giới chuyên gia cho rằng không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý “quýt làm, cam chịu.”

Vì thế, để giải quyết thực tế trên, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát, kiểm tra trên địa bàn từng xã để có phương án xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, làm rõ trách nhiệm của từng bên liên quan.

Phải rà soát, đo đạc kỹ đất đai trước khi bàn giao

Như VietnamPlus đã phản ánh trong bài trước, một trong những vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua là bởi phần lớn các địa phương thiếu kinh phí nên không chủ động xây dựng phương án đổi mới mà để các nông, lâm trường “tự rà soát, tự đánh giá.”

Thế nhưng, khi địa phương “đá” trách nhiệm, các ban quản lý, công ty nông lâm nghiệp lại tiếp tục “làm phương án thật hay” là vẫn quản lý, sử dụng gần như được hết toàn bộ diện tích được giao; chỉ có những chỗ nào mất rừng, thực sự bị tranh chấp, bị lấn chiếm, không thể quản lý được nữa – mới trả lại và cũng không rà soát, đánh giá cụ thể để giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn trước khi bàn giao. Từ dó dẫn tới thực trạng nhiều địa phương “không mặn mà” trong việc nhận lại đất.

Chia sẻ với người viết về thực tế trên tại địa phương, ông Nguyễn Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum thừa nhận mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng,” nhưng sau 5 năm, việc điều chỉnh lại đất đai vẫn chưa được kết quả mong muốn.

“Riêng diện tích trả về, nhất là rừng, hiện rất phức tạp bởi có phần diện tích thì chồng lấn, giao nhầm, phần công ty lâm nghiệp không sử dụng nữa hoặc sử dụng không tốt để dân xâm lấn nên giờ các công ty mới trả lại. Chưa kể phần đất trả lại, ngày xưa đã là của dân nhưng một số công ty vẫn khoanh lại thành lâm trường.

Thậm chí, đất trụ sở ủy ban xã, người ta cũng khoanh luôn. Lý do là ngày xưa, các nông lâm trường thuê tư vấn chụp ảnh vệ tinh nên cứ thấy chỗ nào xanh xanh là coi như rừng, cũng chẳng căn cứ theo hiện trạng trên thực địa,” ông Lộc nhấn mạnh.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cũng khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những phần diện tích nêu trên rất phức tạp. Nếu cấp thì phải làm rõ hiện trạng và phải có phương án sử dụng đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt là đất đó sẽ dùng cho mục đích gì thì mới cấp được.

Từ thực tế nêu trên, ông Lộc nêu quan điểm: Để giải quyết được hiệu quả phần đất nông, lâm trường trả về cho địa phương thì cần phải xử lý triệt để các vướng mắc. Đầu tiên là công ty lâm nghiệp trả về thì phải tiến hành đo đạc, kiểm tra và ai làm mất rừng thì phải quy trách nhiệm cụ thể rồi mới trả về địa phương…

“Nếu bàn giao một cục thì sẽ không địa phương nào giám nhận, bởi vướng tài sản trên đất và cũng rất khó bóc tách để cấp sổ đỏ. Chưa kể, nếu nhận mai mốt quy trách nhiệm là đã để mất rừng, ai sẽ chịu?

Trong khi, ngành tài nguyên chỉ quản lý đất, còn tài sản trên đất là rừng thì chúng tôi không quản lý. Vì thế, việc để mất rừng hay không là do ngành lâm nghiệp quản lý và phía lâm nghiệp phải làm rõ,” ông Lộc nói.

Có chung quan điểm, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho rằng đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường là một loại “tài sản to.” Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị định số 118 của Chính phủ, phần diện tích đất nông lâm trường trả về cho địa phương quản lý chưa có kinh phí để đo, cũng chưa có kế hoạch sử dụng đất cụ thể nên một số huyện chưa nhận.

Theo ông Sỹ, khó khăn hiện tại đang gây “tắc” là quy hoạch mới chưa có, quy hoạch cũ thì không còn chỉ tiêu. “Hơn nữa, các công ty lâm nghiệp không quản lý được dẫn tới tranh chấp, để mất đất thì khi bàn giao về địa phương cần phải làm rõ là bàn giao những gì? càphe, cao su đã trồng bao lâu? còn bao nhiêu đất trống? bao nhiêu đất đang xảy ra tranh chấp? bao nhiêu căn nhà đã xây trên đó?” ông Sỹ nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều diện tích đất bàn giao về địa phương, trước đây nông trường, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn và liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư. Nhiều diện tích bị lấn, bị chiếm, đang tranh chấp. Thậm chí, nhiều trường hợp đã thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng phi chính thức, không đúng theo quy định.

Từ thực tế nêu trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho rằng trước khi bàn giao đất về địa phương quản lý, sử dụng, các công ty lâm nghiêp cần phải làm rõ hiện trạng diện tích. “Có tách bạch được việc đo đạc trước khi bàn giao thì địa phương mới nhận được; không thể ngày xưa giao cho ông một cục đất sạch giờ ông lại trả một mớ mà không đánh giá gì được,” ông Sỹ nói.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng nêu quan điểm để giải quyết vướng mắc trên, việc cần thiết hiện nay là cần tổ chức điều tra, rà soát thực trạng, thống kê tình hình người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, các bên liên quan cần tổ chức kê khai diện tích đất xâm lấn trên lâm phần của các chủ rừng làm cơ sở cho việc phân loại đối tượng, diện tích, thời điểm lấn chiếm; đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với một số diện tích đất lâm nghiệp không còn rừng để cấp cho các hộ dân thuộc đối tượng dự án bố trí và sắp xếp ổn định dân di cư tự do để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Cần phải có hệ thống thông tin đất đai minh bạch

Với kinh nghiệm nhiều năm phụ trách công tác quản lý về đất đai, giáo sự Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng câu chuyện trên cũng là thực trạng thực tế đang xảy ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước.

Lý do là chính sách đất đai lâm nghiệp liên quan tới diện tích khá rộng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh chưa phù hợp với cuộc sống thực tế.

Trong quá trình thực hiện trước đây – Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 về “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh,” diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương không đáng bao nhiêu so với tổng diện tích đất giữ lại.

Đến năm 2014, khi thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW về “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp,” diện tích rừng giao về cho địa phương lại thường là đất xấu, đất xa khu dân cư nên đồng bào dân tộc thiểu số cũng không muốn nhận.

Ngay cả Nghị quyết số 112/2015/QH13 về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng,” trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, chủ trương của ta chủ yếu vẫn là dựa vào Nhà nước. Trong khi, thực chất Nhà nước không đủ con người, tài chính để thực hiện.

Qua phân tích nêu trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng chủ trương trên cần được đổi mới, chuyển sang cách thức lấy động lực từ dân, dựa chủ yếu vào sự tham gia của dân vào bảo vệ và phát triển rừng gắn với hưởng lợi từ rừng.

Bởi lẽ rừng từ xưa tới nay là sinh kế của cộng đồng dân cư miền núi, họ bảo vệ vì chính sinh kế của họ, nhất là các cộng đồng truyền thống có luật tục riêng.

“Vì thế, chính sách đất rừng cần được hoạch định dựa trên nguyên tắc lợi ích, nhìn thẳng vào lợi ích cụ thể từ đất đai. Khi không tiếp cận theo lợi ích thì chính sách vẫn chỉ nằm trên giấy và sẽ không thể thực thi trên thực tế.

Đặc biệt, khi để các công ty nông, lâm nghiệp tự rà soát đất đai mình đang nắm giữ thì khó có thể có được dữ liệu thực. Ngay cả khi chuyển về địa phương, chưa chắc địa phương đã giao cho các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất,” ông Võ nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, chuyên gia lâm nghiệp Ngô Văn Hồng-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển, cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần phải có hệ thống thông tin đất đai nông lâm trường quốc doanh một cách minh bạch để nhân dân, đại biểu nhân dân, chính quyền địa phương và các tầng lớp xã hội giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất đai.

Dẫn lại câu nói của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong,” ông Hồng cho rằng nếu người dân địa phương được tham gia góp ý, tham gia giám sát, chắc chắn sẽ đảm bảo được tính minh bạch về nguồn gốc đất đai.

Ngoài ra, ông Hồng cũng nêu quan điểm bên cạnh việc minh bạch hệ thống dữ liệu đất đai, Nhà nước cần quy trách nhiệm rõ ràng, không thể để mãi cảnh “quýt làm, cam chịu” được.

Theo đó, đơn vị nào được nhà nước giao thực hiện quản lý mà không thực hiện hoặc để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo đơn vị đó phải bị xử lý, phải chịu trách nhiệm. Có như thế thì những vấn đề vướng mắc về đất đai mới thực sự được giải quyết.

Xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực

Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế chính sách cũng như bất cập trong quá trình quản lý, thực thi, các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý rằng trong bối cảnh việc “giải phóng” nguồn lực đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn, các địa phương cần tính đến phương án xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực (vốn, nhân lực…) tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế dưới những tán rừng;

Phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong quá trình giải quyết tình trạng sản xuất trên đất lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển gắn với quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên rừng có hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, tiến sĩ Trương Thị Hạnh, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho rằng đối với các công ty mới, khi triển khai các dự án, phương án thực hiện cần phải chặt chẽ các quy trình theo quy định của pháp luật; các sở, ngành liên quan trước khi tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư cần phải thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư, hiệu quả của dự án.

Trước khi địa phương tiến hành giao rừng phải thực hiện công tác kiểm kê, phân loại rừng, lập biên bản giao đất, giao rừng ngoài thực địa đúng với hiện trạng rừng vốn có; các công ty cần xác định chiến lược kinh doanh để nhận diện tích vừa đủ, tránh quá khả năng dẫn đến “ôm” nhiều đất nhưng quản lý kém, không hiệu quả.

Góp thêm ý kiến, ông Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng cần có một cơ chế đủ mạnh, đủ thuyết phục, hài hòa được lợi ích các bên liên quan trong việc thu hồi, giao đất. Trong khi chưa có được cơ chế như mong muốn, trước mắt cần công khai các qúa trình thu hồi – giao đất.

Việc công khai cần thực hiện cả 2 chiều: Bên nhận đất thu hồi (diện tích đất), bên nhận giao đất (ai được nhận, để làm gì) để các bên theo dõi, kiểm tra. Cùng với đó, cần có chế tài đủ mạnh đối với những chủ thể nhận giao nhưng không sử dụng đúng tiến độ và mục đích sử dụng.

“Cùng với đó, Nhà nước cần thường xuyên rà soát, đánh giá để đưa ra những giải pháp tốt hơn cho quá trình hậu thu hồi đất,” ông Hiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng đề xuất giải pháp tái cơ cấu lại hệ thống chiếm hữu và quản lý đất đai; sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp nhà nước. Theo ông Tiến, việc tiếp tục sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước là một vấn đề lớn.

Tuy nhiên, việc các công ty này hoạt động với nguồn vốn nhà nước nhưng vẫn phục vụ mục đích kinh doanh là không đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững, khiến các công ty không có động lực để giữ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Do đó, theo ông Hiệp, việc quản lý đất nông lâm trường cần nghiên cứu chuyển đổi sang các mô hình khác và đảm bảo rằng nhà nước chỉ thực hiện các nhiệm vụ tối thiểu là bảo vệ môi trường sống, tuyệt đối không đầu tư kinh doanh vì đây là lĩnh vực rất dễ xảy ra tham nhũng, gây lãng phí.

Còn tiếp, Bài cuối: Cần một "cuộc cách mạng" về đất nông lâm trường quyết liệt hơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục