"Giải phóng" đất nông lâm trường - Bài 3: Mệnh lệnh vẫn còn cách xa thực tế?

13:02' - 19/07/2021
BNEWS Thực tế tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cho thấy việc chấp hành quy định pháp luật về thủ tục giao đất, thu hồi đất ở phần lớn các địa phương còn rất chậm.

Trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực trạng các ban quản lý, công ty nông lâm trường “làm mưa làm gió” nhờ được giao quá nhiều đất nhưng sản xuất liên tục thua lỗ, trong khi người dân thiếu đất sản xuất – ngày 27/11/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 với mục tiêu: Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả để giao về địa phương quản lý, qua đó bố trí cho đồng bào dân tộc có đất sản xuất sử dụng ổn định.

Thế nhưng, sau 5 năm, việc thi hành “mệnh lệnh” trên phần lớn mới chỉ được các địa phương thực hiện mang tính trên giấy, khiến công cuộc đổi mới vẫn bế tắc.

Chậm bàn giao, đưa đất vào sử dụng

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 7/2020, diện tích đất nông lâm trường mà các công ty lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương từ khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2004 đến nay đạt hơn 1 triệu hécta (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565ha; Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029ha).

Tuy nhiên, qua quá trình tham gia nghiên cứu thực tế về thực trạng quản lý, sử dụng đất nông lâm trường cho Hội đồng Dân tộc, chuyên gia lâm nghiệp Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển cho rằng hầu hết các địa phương hiện đang có chung tình trạng là “diện tích đất từ các nông, lâm trường trả về địa phương mới chỉ thi hành mang tính mệnh lệnh trên giấy, còn triển khai thực địa chưa làm được; tỷ lệ đất giao cho người dân cũng rất ít.”

Số liệu thống kê của Hội đồng Dân tộc qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 tại một số địa phương trên cả nước cũng cho thấy tính đến cuối năm 2018, cả nước có đến 342.569ha/402.612ha đất dự kiến được giao lại cho cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn đang do các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý (chiếm 85,1%), chưa giao cho cộng đồng.

Từ việc chậm triển khai bàn giao đất về địa phương nêu trên đã dẫn tới hệ quả “năm nào đồng bào dân tộc thiểu số cũng kêu thiếu đất và con số thiếu đất rất cao nhưng mức độ giải quyết rất ít; trong khi đất nông lâm trường trả về nhưng chính quyền địa phương lại không giao cho dân.”

Dữ liệu mà phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus thu thập qua điều tra thực tế tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cũng cho thấy việc chấp hành quy đinh pháp luật về thủ tục giao đất, thu hồi đất ở phần lớn các địa phương còn rất chậm.

Nhiều diện tích trên thực tế các nông, lâm trường đã giao về địa phương nhưng tỉnh vẫn chưa có quyết định thu hồi hoặc nhiều diện tích đã thu hồi nhưng vẫn chưa có quyết định giao đất, cấp sổ đỏ hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Đơn cử như tại Đắk Lắk, thực hiện Nghị quyết số 112, tỉnh này dự kiến sẽ thu hồi gần 539.000ha từ các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp và các ban quản lý rừng bàn giao về địa phương quản lý. Trong số đó, riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp EaKa sẽ phải bàn giao 2.256ha. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 4/2021, việc này vẫn chưa được triển khai trên thực địa.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Phi Tiến, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp EaKar thì trong số diện tích trả về địa phương, có một phần diện tích là rừng tự nhiên và hơn 2.000ha đang bị xâm chiếm, nên sắp tới sẽ phải rà soát lại, tuy nhiên cũng phải mất khoảng 2-3 năm mới giải quyết xong.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng “đây là việc lớn của tỉnh.” Vì thế, tỉnh này đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Cách Đắk Lắk khoảng 400km, tại tỉnh Quảng Nam, mặc dù lãnh đạo tỉnh này khẳng định việc thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả về địa phương quản lý là cần thiết, song việc thu hồi đất giao về địa phương quản lý cũng mới thống nhất được chủ trương thông qua những con số trên giấy.

Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, có 3 công ty nông, lâm nghiệp đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất; trong đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Quảng Nam bàn giao về địa phương trên 1.645ha.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi qua khảo sát thực tế, đến cuối tháng 3/2021, phương án sử dụng đất vẫn chưa được cắm mốc ranh giới, áp dụng trên thực địa.

Là người dân có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân đi cạo mủ cao su cho Công ty Cao su Quảng Nam, anh Hồ Văn Long cho biết gần 10 năm qua, 2 vợ chồng anh đang nhận khoán của công ty gần 5 hécta với tổng thu nhập dưới 10 triệu đồng.

Theo anh Long, công việc cạo mủ rất vất vả, thu nhập tuy cố định nhưng nhiều khi không đủ trang trải cho việc chi tiêu, sinh hoạt, lo cho các con học hành.

“Bây giờ nếu công ty trả đất về cho địa phương và giao cho người dân sản xuất, thực sự là điều rất vui. Tôi tin nếu được nhận đất để sản xuất ổn định, thu nhập của người dân sẽ cao hơn, bởi ngoài trồng cây lâm nghiệp, cây hoa màu, chúng tôi có thể nuôi thêm bò, kinh tế gia đình chắc chắn sẽ ổn định hơn,” anh Long nói, song cũng không quên thổ lộ rằng đó là mong ước thôi, còn thực tế không biết bao giờ.

Thiếu kinh phí đo đạc vì "tỉnh nghèo"

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 112 song “mệnh lệnh” mà Quốc hội đặt ra, phần lớn mới chỉ được các địa phương thực hiện trên giấy, đại diện lãnh đạo các tỉnh khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đều đưa ra lý do chậm là bởi “khó khăn về kinh phí.”

Đơn cử như tại Kon Tum, để thực hiện yêu cầu Nghị quyết số 112, ngày 3/8/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-UBND về việc “phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường trên địa bàn” với tổng kinh phí dự toán lên tới hơn 292,4 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ).

Thời gian thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 8/20218 đến tháng 12/2020. 

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là phần diện tích đất trả về địa phương quản lý – do chưa có kinh phí đo đạc chi tiết làm cơ sở xây dựng phương án sử dụng đất để giao cho người dân. Lý do đơn giản là “tỉnh nghèo.”

Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – người được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ủy quyền trao đổi với phóng viên VietnamPlus cho biết để triển khai dự án trên, hàng năm ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 70% tổng nhu cầu kinh phí; 30% còn lại là vốn đối ứng của địa phương được lấy từ 10% tổng số nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

“Thế nhưng, đất ở đây bán cả tỉnh không bằng nơi khác bán một lô, nên rất khó khăn. Vì thế, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã lập phê duyệt dự án, dự toán gửi lên Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bố trí kinh phí,” ông Lộc cho hay.

Cùng chung thực trạng trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng lý do khiến việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ ban quản lý, công ty lâm nghiệp khó thực hiện là do phần lớn diện tích người dân đã canh tác ổn định từ trước năm 2015; nếu thu hồi sẽ cần rất nhiều kinh phí…

Tại tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng cho biết để triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 112, tỉnh này đã đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền trên 87,2 tỷ đồng để tỉnh tiếp tục thực hiện “Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” và hỗ trợ kinh phí hơn 6,9 tỷ đồng để thực hiện dự án cắm mốc ranh giới cho 3 công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng chung thực trạng trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng lý do khiến việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ ban quản lý, công ty lâm nghiệp khó thực hiện là do phần lớn diện tích người dân đã canh tác ổn định từ trước năm 2015; nếu thu hồi sẽ cần rất nhiều kinh phí…

Tại tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng cho biết để triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 112, tỉnh này đã đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền trên 87,2 tỷ đồng để tỉnh tiếp tục thực hiện “Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” và hỗ trợ kinh phí hơn 6,9 tỷ đồng để thực hiện dự án cắm mốc ranh giới cho 3 công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các yếu tố nhóm lợi ích chi phối rất lớn

Không thể phủ nhận thực tế khách quan ở một số địa phương chậm bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu hoặc không có đất sản xuất sử dụng ổn định là do “tỉnh nghèo” – thiếu kinh phí. Song nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng nguyên nhân chủ quan là do các đia phương chưa chủ động trong việc thực hiện.

Thậm chí, không ít nơi, chính quyền địa phương thu hồi đất của lâm trường nhưng lại không giao cho người dân tại chỗ mà giao cho các công ty tư nhân. Các lâm trường có nhiều đất cũng giao lại cho những người giàu có và quyền lực. Trong bối cảnh thiếu đất, đói nghèo, người dân đã canh tác trên phần diện tích mà nhà nước đã giao cho lâm trường, điều này làm phát sinh mâu thuẫn đất đai tại địa phương.

Với kinh nghiệm tham gia nghiên cứu thực tế về thực trạng quản lý, sử dụng đất nông lâm trường cho Hội đồng Dân tộc, chuyên gia lâm nghiệp Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển cho rằng một phần “trở ngại” bấy lâu nay là do có yếu tố “nhóm lợi ích chi phối rất lớn.”

Cùng với đó là hiện tượng quan chức chiếm đất để tư lợi và đây cũng là rào cản khiến công tác bàn giao đất cho người dân nghèo vẫn bị vướng, bị tắc nghẽn.

Đơn cử như tại Đắk Nông, trong năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật, cách chức một loạt cán bộ do để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến việc giao đất, giao rừng không đúng quy định.

Điển hình như trường hợp ông Trần Đình Mạnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (nguyên là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức) – trong quá trình công tác, ông Mạnh đã “vun vén gia đình” khi để cấp dưới làm sai trong việc “hợp thức hóa hồ sơ” để vợ mình nhận chuyển nhượng từ người khác và được cấp 4 sổ đỏ (diện tích 15,7ha) từ diện tích đất rừng mà gia đình ông thuê của Nhà nước.

Cùng bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015, ông Phạm Đặng Quang – Phó trưởng Ban thi đua khen thưởng tỉnh Đắk Nông (nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk G’Long) trong quá trình công tác cũng đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất rừng không đúng quy định.

Hay như ở Hà Nội, trước đây, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Kết luận số 1806/KL-BTNMT ngày 15/5/2013 chỉ rõ những vi phạm trong quản lý, giao khoán đất đai của Nông trường Việt Mông (tại huyện Ba Vì).

Nhưng không lâu sau đó, theo phản ánh của cử tri, đến cuối tháng 11/2014, ông Trần Quý Kiên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Tài nguyên và Môi trường lại “gom” đất thông qua việc “mua bán viết tay” gần 8.000m2 đất (trị giá tại thời điểm đó là 1,7 tỷ đồng) với ông Đỗ Quốc Chiến tại đội 5 thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì để làm trang trại. Việc mua bán này đã được Ủy ban Nhân dân xã Yên Bài xác nhận.

Sau đó, ông Kiên mua thêm 10.000m2 đất nữa của một số hộ lân cận, nâng tổng số diện tích đất lên 18.000 m2. Toàn bộ diện tích “gom” được, ông Kiên đã “thiết kế” thành một trang trại quy mô với ao cá, hồ phong thủy và nhà nghỉ dưỡng…

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội trong năm 2018 về việc mua bán đất nông lâm trường trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay “ở đây anh Kiên không làm việc với Nông trường Việt Mông mà mua lại quyền giao khoán của người dân để canh tác.” Dù vậy, ông Hà cũng lưu ý rằng “đây hoàn toàn là vấn đề cá nhân, chỉ có anh Kiên mới có thể giải thích, bảo vệ cho mình.”

Những trường hợp nêu trên dù mới chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” trong bức tranh hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông lâm trường, song đã phần nào cho thấy những tác động ngầm trong công tác quản lý, khiến khả năng tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất càng trở nên khó khăn.

Nguyên nhân thứ hai được ông Hồng chỉ ra là hiện vẫn còn “khoảng trống” chính sách. Tức là quy định trong văn bản pháp luật của Nhà nước đã nêu rất cụ thể về trách nhiệm quản lý, sử dụng đất nông lâm trường cho nhiều ngành, cơ quan khác nhau, nhưng lại không giao cho một đơn vị nào chịu trách nhiệm chính để thi hành.

Đơn cử là hiện nay các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của tỉnh, trong khi đất đai thuộc quyền quản lý của ngành tài nguyên và môi trường; sản xuất lâm nghiệp thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn…

“Đây là lỗ hổng rất lớn dẫn tới tình trạng các bên đùn đẩy trách nhiệm, cũng như thiếu sự chủ động trong việc giải quyết,” ông Hồng nhấn mạnh.

Còn tiếp, Bài 4: Không thể để mãi cảnh "quýt làm, cam chịu"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục