"Giải phóng" đất nông lâm trường - Bài 2: "Phát canh thu tô": Mô hình liên kết "tư lợi" trên lưng dân nghèo

11:30' - 19/07/2021
BNEWS Việc liên doanh liên kết theo kiểu “phát canh thu tô” đã khiến công tác quản lý đất nông, lâm trường tại nhiều địa phương bị đảo lộn.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân, giới chuyên gia cho thấy rằng trong nhiều năm qua, một số địa phương đã mặc tình cho các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp lợi dụng chính sách giao đất, giao rừng để chuyển nhượng đất đai, liên kết sản xuất làm giàu trên lưng của người dân nghèo.

Điều đáng nói là, việc liên doanh liên kết theo kiểu “phát canh thu tô” này đã khiến công tác quản lý đất nông, lâm trường tại nhiều địa phương bị đảo lộn, dẫn tới làn sóng chuyển nhượng, mua-bán đất từ người này qua nhiều người khác.

Lâm trường "đắc lợi" - Dân oằn mình chịu khổ

Hơn 15 năm trước, ông Nguyễn Đình Thìn – người dân ở tỉnh Hà Nam quyết định xa quê, vào xã Cư Ealang (huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk) lập nghiệp. Sau một thời gian đi làm thuê, làm mướn cho người dân trên địa bàn, ông quyết định mua lại đất của chủ cũ để chủ động phát triển sản xuất với khát vọng “biến sỏi đá thành cơm.”

Đến nay, quyết định của ông Thìn đã thành hiện thực khi đang “sở hữu” một khu rẫy rộng lớn bạt ngàn cao su và mít cao sản. Dù vậy, cuộc sống của gia đình ông Thìn vẫn gặp phải vô vàn khó khăn. Nguyên nhân chính là bởi cơ chế liên doanh liên kết do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp EaKar đặt ra, khiến gia đình ông và nhiều người dân trong xã phải oằn mình gánh vác…

Chỉ ra một loạt bất hợp lý khiến gia đình mình bị vắt kiệt sức người lẫn sức của, ông Thìn buồn bã kể: Từ nhiều năm trước, gia đình ông đã nhận khoán đất do Công ty lâm nghiệp EaKar quản lý theo hình thức liên danh liên kết trồng mít cao sản. Theo đó, hàng năm gia đình ông phải đóng sản với những khoản phí rất bất công.

“Bất cập nhất là phí cây. Mỗi năm, nhà tôi phải nộp cho công ty từ 1-2 triệu đồng/ha; khi cây đến tuổi khai thác thì chia cây trên diện tích thực tế, công ty lâm nghiệp mặc nhiên hưởng 30%, trong khi họ không hề bỏ ra một khoản chi phí hay có đóng góp gì. Như thế, dân nghèo sao mà khá lên được,” ông Thìn giãi bày.

Câu chuyện ông Nguyễn Đình Thìn – 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018,” đại biểu nông dân duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được tham dự “Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020” kể với tôi qua một cuộc điện thoại kéo dài tới gần 48 phút, khiến tôi không khỏi bất ngờ.

Khi đi vào tìm hiểu thực tế và cầm trên tay những bản chiết tính từ hồ sơ liên kết trồng mít cao sản của ông Thìn với công ty, tôi thật sự giật mình.

Năm 2013, với quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, ông Thìn bàn với vợ mua 11,7 hécta đất lâm nghiệp từ 2 cá nhân có địa chỉ tại tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bình Phước (là những người từng nhận giao khoán, liên doanh liên kết trồng mít cao sản với Công ty lâm nghiệp EaKar, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, sản xuất kém hiệu quả nên đã bán lại đất) thông qua “giấy ủy quyền.”

Việc này được Công ty lâm nghiệp EaKar xác nhận và tiếp tục ký hợp đồng liên kết trồng mít với hộ ông Thìn.

Theo hợp đồng trên, Công ty lâm nghiệp EaKar (bên A) có trách nhiệm giao diện tích đất lâm nghiệp cho hộ gia đình ông Thìn (bên B) để thực hiện trồng mít với mật độ 278 cây/ha; hướng dẫn kỹ thuật, chịu chi phí thiết kế kỹ thuật, chăm sóc, bảo vệ và đầu tư vốn ban đầu bằng 1/4 cây giống cho bên B (8.000 đồng/cây).

Đổi lại, bên B phải nộp bảo lưu hợp đồng cho bên A 25 triệu đồng và phải chấp hành theo chỉ đạo kỹ thuật của bên A; chịu chi phí cây giống còn lại, trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ. Khi trồng mít đến năm thứ 4 thì phải nộp sản cho bên A (quy ra thành tiền) 1 triệu đồng/ha, từ năm thứ 6 trở đi tăng lên 2 triệu đồng/ha. Khi mít đến tuổi khai thác thì bên A được hưởng “một cục” bằng 30% diện tích.

Hợp đồng quy định chi tiết là vậy, nhưng các bằng chứng mà ông Thìn cung cấp cho thấy bên A không hề bỏ ra một khoản chi phí nào, cũng không hướng dẫn kỹ thuật hay đầu tư vốn ban đầu cho bên B. Thế nhưng cứ “đến hẹn lại lên,” không cần biết người dân sản xuất có được hay không, Công ty lâm nghiệp EaKar vẫn gửi thông báo cho gia đình ông Thìn “đòi” 1/4 phí cây giống với đơn giá 1-2 triệu đồng/ha.

Thậm chí, đầu năm 2021, mặc dù tình hình sản xuất và đầu ra sản phẩm của gia đình ông Thìn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng Công ty lâm nghiệp EaKar vẫn ra thông báo yêu cầu gia đình ông Thìn phải nộp khoản phí 22,5 triệu đồng – đã trừ tiền miễn giảm cây bị chết sau nhiều lần kiến nghị.

“Nói thẳng ra là chúng tôi bị Công ty lâm nghiệp EaKar ‘gài’ câu chữ trong hợp đồng. Khi nhận ra thì đã muộn vì chúng tôi bỏ cả đống tiền đầu tư cây giống, cải tạo đất, mua thuốc, phân bón và trả tiền lương cho người lao động.

Còn công ty lâm nghiệp không bỏ công sức gì vẫn ngồi hưởng. Liên kết như thế khác gì chiếc dao, công ty cầm cán, còn dân vất vả vẫn phải ngậm lưỡi,” ông Thìn bức xúc nói.

Cùng chung cảnh trên, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Cư Ealang, sau nhiều năm liên kết cũng không thấy “lối thoát;” muốn đổi mới mô hình sản xuất, đưa công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào hỗ trợ sức người cũng rất bế tắc. Lý do là đất do Công ty lâm nghiệp EaKar quản lý, người dân dù mua lại, bỏ công bỏ sức khai hoang, sản xuất nhưng vì không có sổ đỏ nên cũng không thể vay vốn.

Ngay như trường hợp ông Thìn – hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động là người dân nghèo ở địa phương, hàng tháng tiếp hàng chục đoàn cán bộ phòng nông nghiệp của các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người dân ở các tỉnh lân cận đến học hỏi kinh nghiệp sản xuất trồng mít, nhưng gia đình ông cũng không thể phát triển hơn vì sổ đỏ đất đai đứng tên công ty lâm nghiệp.

Nở rộ làn sóng mua, bán đất đai do buông lỏng quản lý

Hệ quả của thực trạng liên kết sản xuất theo kiểu “ngư ông đắc lợi” nêu trên đã khiến công tác quản lý đất nông lâm trường của Công ty lâm nghiệp EaKar bị đảo lộn khi nhiều người dân nhận giao khoán, bỏ tiền bạc đầu tư đã phải chuyển nhượng, dẫn tới làn sóng mua, bán đất từ người này qua nhiều người khác.

Thừa nhận với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Phi Tiến, Phó Giám đốc Công ty lâm nghiệp EaKar cho biết ông vừa về tiếp quản công ty được hơn 3 tháng nhưng dữ liệu mà lãnh đạo trước để lại rất phức tạp, bởi nhiều hồ sơ đã bị thất lạc…

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Tiến cho biết gần đây nhất, ông đã “truy” ra 106 hécta đất do ông Mai Sỹ Minh ở quân Đống Đa (Hà Nội) vào liên kết sản xuất với công ty từ thời 2017. Tuy nhiên, trường hợp này nhận đất mà không thực hiện sản xuất. Đáng nói là trước đây bộ phận văn thư cũng không hề lưu giữ hồ sơ, giấy tờ đến và đi.

“Trước đây, công ty liên kết với người dân lên tới hàng trăm hécta, cả hàng ngàn hồ sơ chứ không phải ít đâu. Một người ít nhất 2-3ha, nhưng ở đây người dân không phải ở một chỗ mà ở trên cả tỉnh, cả nước Việt Nam này. Cứ đụng đâu liên kết đó, ai xin cũng liên kết mà không hiệu quả.

Chẳng hạn như cây cao su của một công ty ở trên địa bàn khác quản lý nhưng vẫn đem đến trồng ở đây, sau đó mới chống chế quay ngược lại làm hồ sơ liên kết,” ông Tiến cho hay.

Về việc công ty liên kết sản xuất với người dân và ăn chia sản phẩm, ông Tiến khẳng định là có. “Việc liên kết ở đây là ăn chia % sản phẩm theo nhiều hình thức khác nhau, có nơi công ty hưởng 30%, dân 70%; có hợp đồng công ty được 20%, dân 80%; thậm chí có liên kết công ty lại hưởng 60%…,” ông Tiến nói.

Tuy nhiên, trả lời về việc người dân phản ánh Công ty lâm nghiệp EaKar không hề bỏ ra kinh phí, vốn đầu tư ban đầu bằng 1/4 cây giống như hợp đồng nhưng vẫn thu sản 1-2 triệu đồng/ha/năm của dân, ông Tiến lý giải rằng: “Theo hợp đồng thì nếu công ty bỏ vốn đầu tư ban đầu (nếu có) thì mới thu.

Việc không đầu tư mà vẫn ghi đầu tư, có thể là do bộ phận soạn văn bản trước đây nhầm lẫn nên mới xảy ra sai sót trong hồ sơ. Cái này, nếu làm sai thì cứ để cơ quan công an điều tra xử lý.”

Ông Tiến cũng lưu ý những hợp đồng trước đây có thể là do sự “thỏa thuận” giữa lãnh đạo cũ của công ty với người dân. Chứ công ty không hề bỏ ra khoản chi nào.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các hồ sơ liên kết trồng cao su, mít cao sản từ 3 năm trở về trước đều do ông Nguyễn Hồng Mạnh, nguyên là Giám đốc Công ty lâm nghiệp EaKa ký với người dân, có chữ ký và con dấu xác nhận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Ealang.

Nhưng trong năm 2020, 8 người là dàn lãnh đạo công ty này, trong đó có ông Mạnh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên tục để xảy ra tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Trước đó, hồi tháng 11/2019, ông Mạnh đã từng bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách do chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý và bảo vệ rừng.

Thực tế trên phần nào cho thấy công tác quản lý rừng, giao khoán, chuyển nhượng, sang nhượng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường do Công ty lâm nghiệp EaKar quản lý rất phức tạp. Lạ lùng hơn là việc liên kết trên lại được Ủy ban Nhân dân xã xác nhận.

Để rồi, một chủ trương đúng đắn đã bị lợi dụng “phát canh thu tô,” làm giàu trên lưng người nghèo và có nguy cơ tiếp tục gây mất đất, mất rừng.

Công ty lâm nghiệp đóng góp cho nhà nước rất hạn chế

Nói về thực trạng nêu trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận việc giao khoán ở một số công ty lâm nghiệp còn rất nhiều bất cập; một số nơi không còn đầu tư mà khoán trắng, thực hiện theo kiểu “phát canh thu tô” trong khi mức khoán không còn phù hợp;

Người nhận khoán không được quyền của người sử dụng đất như các hộ nông dân ở địa phương, dẫn đến người dân không đồng thuận và không muốn tiếp tục hợp tác với công ty.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, giá nông sản xuống thấp đã gây rất nhiều khó khăn cho các hộ nhận khoán. Một số công ty lâm nghiệp không thể hiện được vai trò trong việc tổ chức, chỉ thu sản phẩm của các hộ nhận khoán để duy trì bộ máy;

Việc thiết lập và lưu trữ hồ sơ, tài liệu xác định nguồn gốc và cơ sở pháp lý trong việc quản lý đất đai trước đây còn rất sơ sài, thiếu rõ ràng vì bị thất lạc. Thực tế trên đã khiến tranh chấp, khiếu kiện về đất đai diễn biến thêm phức tạp…

Mở rộng ra cả nước, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc của Quốc hội cũng khẳng định qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH 13 của Quốc hội, cơ bản việc liên kết nêu trên là “phát canh thu tô.”

Tức là công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao đất để quản lý, bảo vệ, làm lợi cho người dân và ngân sách nhà nước, nhưng con số các nông, lâm trường, nhất là các công ty lâm nghiệp đóng góp cho nhà nước lại không đáng kể, thậm chí gần như không được gì.

Thực tế dễ thấy là, nhiều công ty lâm nghiệp ở trên cả nước, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên chỉ “ngồi một chỗ” liên kết với người dân khắp nơi và cũng không có hướng dẫn, bỏ ra kinh phí gì nhưng sau ít năm lại “phát lệnh” thu tiền…

Theo ông Bình, với cách thức liên kết mà lợi ích đổ dồn vào túi “một nhóm lợi ích” nêu trên thì Nhà nước không cần thiết phải giao cho các công ty lâm nghiệp, mà giao thẳng cho địa phương. Như vậy, người dân sẽ có cơ hội để phát triển sản xuất và nếu nộp thuế, phí cũng sẽ nộp thẳng cho Nhà nước.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng qua thực tế nêu trên, Nhà nước cần đánh giá lại mô hình nông lâm trường cũng như các công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp một thành viên hiện nay, xem có còn phù hợp với xu thế phát triển hay không?

“Nếu mô hình này trên thực tế không còn hiệu quả, cần tính đến việc chuyển đổi hệ thống này thành 2 loại cơ bản: Những diện tích đất còn rừng phòng hộ và đặc dụng cần chuyển sang các ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ.

Các khu vực đã bị chuyển đổi sang sản xuất nông, lâm nghiệp nếu khó có khả năng phục hồi cần quy hoạch lại để chuyển cho địa phương quản lý, bố trí sản xuất,” ông Nguyên chia sẻ.

Còn tiếp, Bài 3: Mệnh lệnh vẫn còn cách xa thực tế?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục