Giải phóng mặt bằng đường Quốc lộ 19: Sẽ trả tiền hỗ trợ cho dân trước ngày 10/6

19:00' - 29/05/2024
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm thực hiện hoàn thành sớm tuyến đường này, nhất là đoạn đèo An Khê và 2 cây cầu đi qua địa bàn huyện Tây Sơn (cầu Bàu Sen và cầu Ba La).
Ngày 29/5, tại buổi làm việc với UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban quản lý dự án 2 (Ban 2) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục và sắp xếp nguồn vốn để chuyển tiền cho UBND huyện Tây Sơn. Từ đó, huyện Tây Sơn chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng thế giới do Ban 2 làm chủ đầu tư (dự án mở rộng đường Quốc lộ 19).

Theo đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu, trước mắt, Ban 2 cần nhanh chóng chuyển trước 5,2 tỷ đồng cho huyện. Đây là số tiền còn dôi dư của tỉnh Gia Lai hoàn trả lại cho Ban 2 (theo phân khai năm 2024). Trước đó, Ban 2 đã chuyển cho huyện Tây Sơn 13,7 tỷ đồng, số tiền còn lại sẽ chuyển cho huyện vào trước ngày 10/6 tới.

 
"Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên sử dụng nguồn vốn vay WB. Do đó, việc để được cấp vốn phải theo trình tự, quy định. Huyện Tây Sơn cần hỗ trợ tuyên truyền cho người dân đồng thuận với dự án này. Trường hợp nào bị ảnh hưởng, có đủ cơ sở thì tiến hành đền bù, tránh trường hợp những hộ dân khác không bị ảnh hưởng mà vẫn đề nghị xem xét đền bù để trục lợi", Thứ trưởng Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, tại cuộc họp giải quyết các vướng mắc của dự án mở rộng Quốc lộ 19, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, con đường này đúng là “khổ ải”, ảnh hưởng cả người dân tỉnh Bình Định, Gia Lai vì lưu lượng xe đông. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm thực hiện hoàn thành sớm tuyến đường này, nhất là đoạn đèo An Khê và 2 cây cầu đi qua địa bàn huyện Tây Sơn (cầu Bàu Sen và cầu Ba La).

"Ngày 28/5 vừa qua, Ban 2 đã ban hành quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và đang tiến hành báo cáo Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024, dự kiến đến đầu tháng 6/2024 sẽ chuyển tiền cho các địa phương", đại diện Ban 2 thông tin.

Đối với công tác bảo hiểm đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công, đại diện Ban 2 cho hay, đơn vị nhận được gần 850 đơn thư. Đến nay, đơn vị thi công và đơn vị bảo hiểm đã tiến hành giám định gần gần 800 trường hợp. Hiện, còn 59 đơn vị chưa tiến hành giám định so một số địa chỉ chưa chính xác và một số hộ tại vị trí các đoạn nhà thầu chưa tiến hành lu lèn xong.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung quyết liệt, triển khai để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án này.

"Ban 2, nhà thầu, huyện Tây Sơn hàng tuần, thậm chí là hàng ngày hoặc từng thời điểm, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc thì cần phải ngồi lại hoặc ra hiện trường kịp thời giải quyết những vướng mắc", Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 dài 143,6 km, có 8 gói thầu: điểm đầu là Km50+00, Quốc lộ 19 thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối Km241+00, Quốc lộ 19 thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Dự án đi qua tỉnh Bình Định dài 17 km, tỉnh Gia Lai 126,34 km, thực hiện từ năm 2017 - 2023; quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.654 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (IDA) 150 triệu USD; vốn đối ứng 3,7 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật 2,1 triệu USD. Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông Vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và điều chỉnh tiến độ dự án kết thúc vào tháng 6/2024. Dự án qua địa bàn huyện Tây Sơn đã có gần 1.400 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi hơn 42.000 m2.

Đến nay, phần vốn giải phóng mặt bằng theo kế hoạch ban đầu đã cấp cho huyện hơn 65 tỷ đồng (năm 2023 và 2024), kết quả giải ngân đạt 99,9%.

Huyện đã cơ bản bàn giao giao công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến chính. Riêng một số đoạn tuyến thi công hoàn trả đường gom còn vướng mắc mặt bằng 46 hộ do thay đổi thiết kế nâng cao độ nền đường. Ngoài ra, còn 2/92 trụ điện chưa di dời do người dân chưa đồng ý giải phóng mặt bằng tại đường gom.

Việc thay đổi thiết kế cũng đã làm phát sinh các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 50 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục