Giải tỏa bức xúc của người dân quanh các trạm thu phí

15:40' - 19/04/2017
BNEWS Thời gian gần đây, người dân địa phương tại một số trạm thu phí đã có những phản ứng quyết liệt, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông, trật tự xã hội cũng như lợi ích và uy tín của doanh nghiệp.
Trạm thu phí cầu Hạc Trì do công ty cổ phần BOT Việt Trì quản lý và khai thác. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây cũng là những nội dung chính được thảo luận tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí?” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 19/4, tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, nhà đầu tư BOT.

Chủ trì buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, gần đây tình trạng người dân tập trung phản đối tại các

BOT diễn ra căng thẳng như : Trạm thu phí cầu Bến Thủy (ranh giới giữa các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Trạm thu phí Lương Sơn (Hòa Bình), trạm thu phí QL 32 (huyện Tam Nông, Phú Thọ), Trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)...

“Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc nhận diện và giải quyết còn lúng túng, trách nhiệm chưa rõ ràng, còn có sự đùn đẩy khiến vấn đề trầm trọng hơn, gây bức xúc cho xã hội. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân và một số giải pháp cho tình trạng này”, nhà báo Lê Xuân Sơn cho hay.

Ông Phạm Quang Dũng, Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tasco (nhà đầu tư nhiều dự án BOT) cho rằng, giải quyết tình trạng trên là phải đẩy mạnh truyền thông nhằm phản ánh rõ hiện trạng đang xảy ra ở các trạm thu phí để người dân hiểu rõ, có trách nhiệm chung tay với nhà nước giải quyết khó khăn.

“Đất nước không thể phát triển nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải giải quyết sớm tình trạng hiện nay để tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư. Các nhà đầu tư như chúng tôi thấy bức xúc, đầu tư BOT lãi rất thấp, chủ yếu lấy công làm lãi, tạo công ăn việc làm cho công nhân”, ông Phạm Quang Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Phạm Quang Dũng, thu phí là nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, chính sách như quy định bán kính cụ thể xung quanh trạm thu phí được miễn, giảm cho dân, mức giảm là bao nhiêu và nhà nước phải có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư.

Còn ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (nhà đầu tư thu phí trạm Bến Thủy) chia sẻ: "Lâu nay người dân Nghệ An và Hà Tĩnh luôn ủng hộ chúng tôi vì làm được rất nhiều việc cho địa phương. L úc đầu người dân và dư luận vinh danh các nhà đầu tư BOT, nhưng nay lại có thái độ trái ngược".

Theo ông Huỳnh, có thể do việc tăng giá vé gây bức xúc, nhưng đầu tư lớn thì việc tăng giá là tất yếu.

“Chúng tôi khẳng định nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này?, Chúng ta phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Huỳnh chia sẻ.

“Tôi đề nghị cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu. Chúng tôi đang bị ảnh hưởng và nhận lại những điều không tương xứng với những gì đã tâm huyết bỏ ra", ông Huỳnh nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam , người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý khi hàng ngày họ đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh.Ảnh Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

“Tôi đề nghị, phải lấy ý kiến người dân. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn”, ông Thanh nhấn mạnh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định, phản ánh của người dân có lý, nhưng cần có chung sự chia sẻ. Người dân bất bình, nhưng nhà đầu tư cũng bất cập. Do đó nhà đầu tư và người dân cần có sự chia sẻ với những khó khăn của đất nước. Không thể công bằng một cách tuyệt đối được.

“Về thu phí, ngay từ lúc làm, Bộ Tài Chính cũng dự liệu các bất cập và đưa ra một số biện pháp như dùng vé tháng. Nhưng giải quyết vấn đề cần có thời gian, không thể giảm phí ngay mà phải có quy trình”, ông Nguyễn Danh Huy phân tích.

Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại trạm thu phí hiện nay, ông Huy cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung.

Có thể theo hướng sẽ miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn, cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20%.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần có truyền thông toàn xã hội. Ví như ở Singapore, trước khi lên kế hoạch 5 năm thì họ có bản truyền thông xã hội để chính quyền đồng hành với người dân cùng phát triển, từ đó huy động sức doanh nghiệp, sức dân nên các dự án hạ tầng diễn ra khá thuận lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục