Giảm tổn thất điện năng - Bài 4: Chống quá tải lưới điện cao áp

07:46' - 05/09/2016
BNEWS Ngoài lưới điện phân phối, trong điều kiện lưới điện truyền tải hiện nay vẫn còn nhiều nơi vận hành trong điều kiện đầy và quá tải gây tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải.
Máy chụp ảnh nhiệt. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ngoài lưới điện phân phối, trong điều kiện lưới điện truyền tải hiện nay vẫn còn nhiều nơi vận hành trong điều kiện đầy và quá tải, chưa đảm bảo tiêu chí n-1 cũng là nguyên nhân gây tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải.

Do vậy, các công ty truyền tải thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang triển khai nhiều giải pháp kịp thời về quản lý và kỹ thuật để cải thiện kết quả giảm tổn thất điện năng.

Công ty Truyền tải điện 3, đơn vị quản lý khối lượng hơn 4.400km đường dây truyền tải điện từ 110 đến 220 và 500kV trải dài trên 9 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, truyền tải điện từ 23 nhà máy lên lưới điện quốc gia.

Với đặc thù này đi qua nhiều vùng địa hình, khí hậu phức tạp như ven biển, đồi núi cao, đầm lầy nên mặc dù là đơn vị có tổn thất điện năng thấp trong Tổng Công ty nhưng vẫn không đạt kế hoạch được giao.

Cụ thể trong 7 tháng của năm nay, tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới 500kV và 220kV trong khu vực công ty quản lý là 1,89%, vượt kế hoạch EVNNPT giao là 0,21%. Trong đó tổn thất trên lưới 220kV là 1,44%, tăng 0,5% so với cùng kỳ và tăng 0,51% so với kế hoạch Tổng công ty giao.

Phân tích 2 nguyên nhân khách quan gây tổn thất điện năng tăng trong 7 tháng qua, ông Hoàng Xuân Phong Giám đốc công ty cho rằng, thứ nhất là do sản lượng điện thương phẩm giao tăng 17,55% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng, khô hạn, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực lưu lượng nước về ít, thiếu nước nên buộc phải truyền tải tăng cao từ các trạm 500kV Pleiku, 500kV Vĩnh Tân qua các đường dây 220kV như Pleiku-An Khê, An Khê-Quy Nhơn, Pleiku-Krông Buk, Tháp Chàm-Nha Trang, Nha Trang-Tuy Hòa… để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao của các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định. 

Còn Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Nguyễn Văn Thoại thì cho biết, đặc thù của lưới truyền tải chủ yếu là tổn thất kỹ thuật chứ không có tổn thất thương mại nên để giảm tổn thất trên lưới điện truyền tải phụ thuộc vào phương thức vận hành của hệ thống lưới điện.

Xe vệ sinh cách điện Hotline. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đặc thù lưới điện truyền tải của công ty ở khu vực Tây Nguyên là bụi nhiều nên dễ bám bẩn vào sứ nên phải vệ sinh sứ để giảm tổn thất và giảm sự cố trên lưới điện. Chưa kể mật độ giông sét ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên rất cao, Công ty đã xử lý khoảng 70% thiết bị tiếp địa và tăng thiết bị cách điện của đường dây để giảm sự cố do giông sét.

Trưởng phòng Điều độ Công ty Truyền tải điện 3, ông Nguyễn Mạnh Tường cũng cho rằng để chống quá tải lưới điện truyền tải, ngoài quản lý chặt chẽ hệ thống đo đếm thì một giải pháp không kém phần quan trọng là phải đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải để đạt tiêu chí n-1.

Đầu tư càng vững chắc thì càng giảm tổn thất điện năng. Bên cạnh đó, từng bước sửa chữa, củng cố lưới điện đáp ứng mức mang tải hợp lý và các tiêu chí về độ tin cậy cung cấp điện. Công ty còn bố trí lịch cắt điện sửa chữa trong thời gian ngắn, vào các ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật (trước kia là 3 ngày) khi nhu cầu sử dụng điện thấp hơn ngày thường. 

Truyền tải điện Khánh Hòa là đơn vị quản lý lưới điện truyền tải trong tỉnh Khánh Hòa và một phần tỉnh Đắk Lắk với 3 đường dây 220kV Nha Trang-Krông Buk, Nha Trang-Tuy Hòa, Nha Trang-Tháp Chàm và một trạm biến áp 220kV Nha Trang có dung lượng 375 MVA. 

Ông Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết, tổn thất do kết cấu kỹ thuật và cấu trúc của đường dây, máy biến áp thì không thể can thiệp được. Còn tổn thất trên đường dây, tổn thất do rò rỉ dòng điện qua cách điện của đường dây và tổn thất do điện tự dùng trong trạm biến áp thì người quản lý vận hành có thể can thiệp được. 

Vì vậy theo tính toán tổn thất hao hụt trên đường dây, cứ truyền tải 100 MW trên 100 km đường dây 220kV thì khi nâng điện áp lên 240kV, tổn thất giảm 0,05%, có nghĩa là tiết kiệm được 50 kW điện. 

Truyền tải càng cao thì tổn thất điện năng càng cao, do vậy theo ông Nguyễn Kim Đồng để giảm được tổn thất, các giải pháp mà Truyền tải điện Khánh Hòa đang thực hiện đó là giảm tổn thất điện tự dùng trong trạm biến áp bằng chuyển qua sử dụng đèn Led, giảm thời gian sửa chữa các sự cố gây gián đoạn việc cung cấp điện, đảm bảo vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp, tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, giảm nguy cơ cháy trong hành lang đường dây…

Công nhân Truyền tải điện Khánh Hòa vệ sinh sứ bằng công nghệ Hotline​. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Hoàng Xuân Phong, để giảm tổn thất điện năng trên lưới điện quản lý về mức 1,68% theo kế hoạch EVNNPT giao trong năm 2016, Công ty Truyền tải điện 3 đang triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như liên tục rà soát các máy biến áp, đường dây đã vận hành lâu năm có tổn thất tăng cao trong vận hành để có kế hoạch thay thế kịp thời; áp dụng các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị đang mang điện công nghệ mới như vệ sinh bằng nước áp lực cao để không phải cắt điện gây dồn tải lên những đường dây, máy biến áp khác làm tăng tổn thất điện năng. Đồng thời giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện, cải thiện các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện.…

Đặc biệt,  công ty còn đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo chống quá tải tại các trạm 220kV Krông Buk, Tuy Hòa; nâng công suất  các trạm biến áp 220kV Tháp Chàm, Nha Trang; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 220kV, 500kV theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh như các đường dây 220kV mạch 2 Tháp Chàm-Nha Trang, Pleiku 2-An Khê, Pleiku-Krông Buk-Nha Trang, trạm 220kV Vân Phong; tiếp nhận và đưa vào quản lý vận hành đường dây Nhà máy điện phân nhôm-Đắk Nông dài khoảng 5km…, góp phần giảm tổn thất điện năng trong những năm tới./.

>>>Đón đọc: Bài 5: Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục