Giảm tổn thất điện năng: Sử dụng nhiều thì tổn thất lớn

10:32' - 03/08/2016
BNEWS Chi phí đầu tư tỷ lệ nghịch với tổn thất điện năng. Tổn thất càng lớn thì càng giảm doanh thu đối với các đơn vị điện lực.
Tổn thất càng nhiều thì sản xuất điện năng càng lớn để bù đắp và như vậy tác động đến ô nhiễm môi trường càng lớn. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổn thất điện năng là mối quan tâm của toàn xã hội bởi là chính sách năng lượng toàn cầu hiện nay là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc giảm tổn thất điện năng liên quan trực tiếp đến bảo vệ tài nguyên môi trường.

Tổn thất càng nhiều thì sản xuất điện năng càng lớn để bù đắp và như vậy tác động đến ô nhiễm môi trường càng lớn. Nếu khả năng tiếp cận điện năng càng cao, tức số người sử dụng điện càng nhiều thì tổn thất điện năng càng lớn.

Giáo sư Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thông tin, ở Việt Nam có hơn 80% dân số tiếp cận được với điện năng, đây là con số cao trên thế giới.

Đối với các đơn vị điện lực thì tổn thất điện năng liên quan trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, đó là doanh thu. Tổn thất càng cao thì giá bán lẻ điện càng cao và kéo theo sự đồng thuận của xã hội càng thấp.

Đề cập về vấn đề này, Giáo sư Trần Đình Long cho rằng, việc giảm tổn thất điện năng liên quan trực tiếp đến đầu tư và nhiều giải pháp trong quản lý vận hành. Tức là muốn giảm tổn thất thì hiệu quả nhất là phải tăng đầu tư.

Đối với khách hàng sử dụng điện, theo Giáo sư Trần Đình Long, tổn thất càng cao thì khách hàng phải trả tiền điện càng nhiều. Do vậy, mỗi khi có thông tin sắp tăng giá điện, dư luận luôn đặt câu hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm gì để giảm tổn thất điện năng?

Trên thực tế, nhiều khách hàng sử dụng điện còn chưa hài lòng với mức tổn thất như hiện nay.

Về mối quan hệ giữa đầu tư và tổn thất, Giáo sư Trần Đình Long cho hay, muốn lưới điện tổn thất điện năng thấp thì phải đầu tư lưới điện và trạm biến áp đồng bộ, tuy nhiên phải chọn mạng lưới điện như thế nào để tận dụng tối ưu năng lượng.

Chi phí đầu tư tỷ lệ nghịch với tổn thất. Tổn thất càng lớn thì càng giảm doanh thu đối với các đơn vị điện lực. Tổn thất càng nhiều thì thiệt hại do tổn thất gây ra càng lớn.

Mức tổn thất tối ưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ phát triển (GDP trên đầu người), giá bán điện trung bình (giá điện càng cao thì cố gắng giữ tổn thất thấp) và xu thế chung toàn thế giới (những nước giàu thì tổn thất lại thấp trong khi những nước nghèo thì tổn thất lại cao).

“Lộ trình giảm tổn thất điện năng phụ thuộc vào lộ trình đầu tư tương ứng với tăng trưởng phụ tải, đầu tư năm sau phải cao hơn năm trước. Nếu việc đầu tư được thực hiện theo đúng các Tổng sơ đồ phát triển điện thì tổn thất điện năng mới thực hiện được hiệu quả nhưng trên thực tế đầu tư không theo kịp nhu cầu.

Mỗi năm phụ tải tăng trưởng từ 1,5-1,7 lần thì tổn thất điện năng không thể giảm như mong muốn. Hoặc đầu tư không đuổi kịp phụ tải thì tỷ lệ tổn thất sẽ tăng”, Giáo sư Trần Đình Long chia sẻ.

Mỗi năm phụ tải tăng trưởng từ 1,5-1,7 lần thì tổn thất điện năng không thể giảm như mong muốn.Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Việt Hùng, Phó ban Kỹ thuật sản xuất (EVN) cũng cho biết, tổn thất điện năng là quá trình tiêu hao điện năng trên dây dẫn nên đầu tư một hệ thống mạng điện với tiết diện dây lớn thì sẽ giảm được tổn thất. Điều này phụ thuộc vào quy hoạch điện của Chính phủ, các địa phương.

Bởi việc đầu tư lưới điện thực hiện theo các quy hoạch này có nhiều mục tiêu; trong đó có mục tiêu giảm tổn thất điện năng. Trong khi đó, đầu tư các công trình nguồn và lưới điện hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng...

Lưới điện phân phối ở nước ta hiện còn ở nhiều cấp điện áp như 6, 10, 15, 22, 35kV; trong đó, lưới điện 6-10kV chủ yếu ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC). Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, lưới điện 6-10kV tuy chiếm 15% trong hệ thống lưới điện trung áp trên địa bàn các tỉnh miền Bắc nhưng lại chiếm đến 25% trong tổn thất điện năng trên lưới điện miền Bắc.

Do vậy, cùng với việc phải cải tạo nâng điện áp từ 6, 10kV lên điện áp chuẩn, thống nhất là 22kV, Tổng công ty phải xóa bỏ 250 trạm biến áp trung gian thì như vậy mới giảm được tổn thất điện năng.

Trên thực tế 5 năm vừa qua (2011-2015), EVN đã thực hiện rất hiệu quả chương trình giảm tổn thất điện năng mặc dù công tác này gặp rất nhiều khó khăn do nguồn điện chưa cân bằng trong các miền, lưới điện đầu tư còn hạn chế, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn về EVN quản lý với khối lượng lớn….

Đến cuối năm 2015, EVN đã giảm được 2,21% tổn thất điện năng, từ mức 10,15% (năm 2010) xuống còn 7,94%, hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Tuy nhiên trong giai đoạn 2016-2020, để thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng từ 7,94% về mức 6,5%, từ EVN xuống các Tổng công ty, đơn vị cần phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, kỹ thuật, vận hành cũng như giải pháp về đầu tư xây dựng.

Trong đó có việc phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị trực thuộc. Có như vậy, mục tiêu này mới trở thành hiện thực./. 

Xem thêm: Làm gì để giảm tổn thất điện năng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục