Giao dịch bằng đồng nội tệ đang được thúc đẩy trong ASEAN

13:01' - 15/04/2019
BNEWS Việc thúc đẩy, sử dụng đồng nội tệ sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nếu chi phí giao dịch liên quan đến việc đổi một loại tiền của nước này sang loại tiền nước khác đủ thấp để có giá trị.

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết về việc tuần trước, Philippines đã đồng ý tham gia khuôn khổ thanh toán tiền tệ địa phương (LCS) - mà Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã hoạt động trong hai năm qua - trong nỗ lực mở rộng thương mại và đầu tư nội khối ASEAN cũng như tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Thỏa thuận giữa các ngân hàng trung ương là Bangko Sentralng Pilippines (BSP) của Philippines, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI), Ngân hàng Negara Malaysia (BNM) và Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã được ký kết bên lề các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) diễn ra ở Thái Lan vào ngày 5/4/2019.

Sáng kiến này là một phần của những nỗ lực liên tục nhằm thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn các loại đồng nội tệ để tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại, cũng như đầu tư tại các quốc gia Đông Nam Á.

Việc thúc đẩy, sử dụng đồng nội tệ sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nếu chi phí giao dịch liên quan đến việc đổi một loại tiền của nước này sang loại tiền nước khác đủ thấp để có giá trị.

Điều này liên quan đến việc thiết lập thị trường trao đổi trực tiếp giữa các loại tiền tệ với nhau, cũng như đảm bảo rằng có đủ thanh khoản.

Quan trọng nhất là một thị trường trao đổi tiền tệ hiệu quả trong số bốn loại tiền tệ phải được phát triển để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng khuôn khổ LCS.

10 quốc gia ASEAN đã hội nhập nhiều hơn về thương mại và tỷ trọng thương mại nội khối đã tăng đều đặn trong khu vực, nhưng các giao dịch thương mại và đầu tư vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng USD.

Đây là loại tiền không chỉ để lập hóa đơn và thanh toán trong các giao dịch nội bộ, mà còn dùng để tham chiếu cho các chính sách tỷ giá hối đoái và sử dụng như một loại tiền tệ dự trữ. Điều này là do ASEAN không có một loại tiền tệ chung như đồng euro.

Mặt khác, khi tham gia các giao dịch thương mại, mọi người không bắt buộc phải quy đổi ra đồng USD, nhưng vì đồng USD có rủi ro thấp hơn và chi phí giao dịch thấp.

Đáng chú ý hơn là chênh lệch tỷ giá hối đoái thấp hơn nhiều đối với chuyển khoản ngân hàng giữa đồng USD và hầu hết các loại tiền nội tệ trong khu vực.

Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây cũng đã chỉ ra những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD, như sự thiếu hụt đột ngột đồng USD trong thanh khoản có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế ASEAN bất kể khả năng tín dụng của các nước.

Ngoài ra, các loại đồng nội tệ ASEAN phản ứng không đối xứng với biến động của đồng USD, điều này được ghi nhận trong thời kỳ khủng hoảng trước đây, có thể có tác động tiêu cực đến các mạng lưới sản xuất đang tìm cách mở rộng trong khu vực.

Tính ứng dụng và độ tin cậy của dữ liệu liên quan đến hóa đơn thanh toán, tỷ giá thanh toán trong khu vực cũng cần được cải thiện để có thông tin chính xác, kịp thời giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bắt đầu tham gia vào các giao dịch xuyên biên giới.

Do đó, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ có thể là bước đầu tiên trong việc nâng cao vai trò của tiền tệ ASEAN và giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào đồng bạc xanh trong giao dịch kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục