Giới chuyên gia: Chính sách lãi suất thấp có thể gieo mầm khủng hoảng trong tương lai

09:06' - 07/09/2016
BNEWS Theo các chuyên gia, việc duy trì chính sách lãi suất thấp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế trong dài hạn.
Ngân hàng trung ương Anh gây bất ngờ với quyết định giữ nguyên lãi suất thấp. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới duy trì chính sách lãi suất thấp trong thời gian quá lâu sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề kinh tế phức tạp trong dài hạn.

Hạ lãi suất xuống mức thấp, thậm chí siêu thấp, là một chính sách cần thiết không chỉ đối với nước Anh mà với nhiều nền kinh tế lớn trong suốt 10 năm qua, nhằm giúp các nước này đối phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2009.

Trong cuộc họp tháng trước, BoE đã hạ lãi suất cơ bản từ 0,5% được duy trì trong hơn bảy năm qua xuống còn 0,25%. Trong lịch sử 322 năm hoạt động, chưa bao giờ BoE lại duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ với lãi suất dưới 1% trong một thời gian dài như vậy.

Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 và trong suốt Thế chiến thứ nhất, lãi suất cũng được giữ ổn định quanh mức 2%.

Trước hết, lãi suất thấp là yếu tố làm xói mòn giá trị của các khoản tiết kiệm của người dân. Năm 2010, lãi suất trái phiếu 20 năm của Chính phủ Anh là 4%/năm, cao hơn đáng kể so với mục tiêu lạm phát 2%.

Lãi suất thấp không đủ bù đắp tốc độ mất giá của đồng bảng Anh. Ảnh: ibtimes.co.uk

Sau cuộc khủng hoảng nợ Eurozone, lãi suất giảm xuống 2,5-3%, và sau quyết định rời Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh, hay còn gọi là Brexit, lãi suất trái phiếu chính phủ hiện chỉ còn hơn 1%.

Rõ ràng mức lãi suất này không đủ để bù đắp tốc độ mất giá của đồng tiền, khiến cho các khoản tiền tiết kiệm của cá nhân và gia đình không mang lại thu nhập. Điều này không khuyến khích người Anh tích lũy và hoàn toàn không có lợi cho kinh tế Anh trong dài hạn.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của hộ gia đình hồi quý III/2015 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1963 là 4,4%.

Tiếp đến, lãi suất thấp có thể gây tác động tiêu cực tới tương lai của hệ thống quỹ hưu trí. Tại Anh, các quỹ hưu trí đầu tư phần lớn tài sản vào trái phiếu chính phủ. Thu nhập từ trái phiếu không ngừng giảm trong những năm qua, do chính sách nới lỏng lãi suất đang làm gia tăng gánh nặng thanh toán đối với hệ thống này.

Theo báo cáo gần đây của công ty kiểm toán PWC, các quỹ hưu trí đang phải đối mặt với khoản thâm hụt kỷ lục, tăng từ 100 tỷ bảng năm 2015 lên khoảng 700 tỷ bảng năm 2016.

Đáng chú ý hơn là lời cảnh báo của giới phân tích rằng lãi suất thấp làm tăng quy mô vay nợ. Chính sách lãi suất thấp kéo dài như hiện nay đang khiến nhiều người lo lắng về khả năng hệ thống tài chính của Anh sẽ đi theo vết xe đổ của cuộc khủng hoảng nợ vừa qua ở châu Âu.

Lãi suất thấp đã và đang khuyến khích người Anh vay nợ nhiều hơn, đặc biệt là các khoản nợ không lành mạnh.

Số liệu gần đây nhất của BoE và ONS cho thấy quy mô các khoản vay cá nhân không đảm bảo tăng liên tục từ năm 2012 và đạt mức cao nhất 9,3%/năm trong năm 2015, vượt trên mức tăng của giai đoạn tiền khủng hoảng 2006-2007.

Tỷ lệ vay nợ trên tổng thu nhập của hộ gia đình Anh được dự báo sẽ tiếp tục tăng và đến năm 2020 sẽ đạt mức trên 160%, tương đương với thời điểm khủng hoảng nợ năm 2009.

Một điểm đáng quan ngại nữa là lãi suất thấp có thể làm tái hiện "bong bóng" nhà đất. Rõ ràng, lãi suất thấp trong 5 năm qua đã kích thích thị trường nhà đất “xứ sở sương mù” tăng trưởng trở lại.

Sau bảy năm suy giảm và "đóng băng" (2008-2013), giá nhà ở Anh đã tăng liên tục trong ba năm gần đây. Giá nhà trung bình hiện đã vượt quá mức đỉnh của giai đoạn trước khủng hoảng và đang tạo ra mối lo ngại về khả năng một “bong bóng” nhà đất mới.

Do vậy, mặc dù biện pháp nới lỏng chính sách hiện vẫn được các nước áp dụng với mục tiêu hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, song việc lạm dụng chính sách này trong một thời gian quá dài có thể sẽ phản tác dụng hay thậm chí gieo mầm khủng hoảng trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục