Giới chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc trì trệ là “tin xấu” với Australia

20:25' - 14/02/2016
BNEWS Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất trong 25 năm, làm dấy lên quan ngại ngày càng tăng ở những nước thịnh vượng nhờ nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc.
Giới chuyên gia: Sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc là “tin xấu” với Australia

Đài TNHK dẫn phỏng vấn một số chuyên gia cho rằng Australia, nước xuất khẩu các tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc, có thể theo chân các nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên chịu tác động của tình trạng kinh tế Trung Quốc "nguội dần".

Ông Andrew Charlton, người đứng đầu công ty tham vấn AlphaBeta tại Australia cho biết Trung Quốc chiếm gần 50% nhu cầu hàng hóa trao đổi trên toàn cầu nên khi nhu cầu từ nước này đi xuống, giá các mặt hàng như quặng sắt và than đá giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung của Australia.

Mặt khác, Australia có tham vọng “soán ngôi” nước lớn nhất thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar), và đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Các thị trường ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản được nhắm làm mục tiêu xuất khẩu, nhưng giá LNG đã lao dốc.

Giám đốc Cơ quan nghiên cứu tài chính năng lượng Australia, ông Tim Buckley nhận xét giá LNG xuất khẩu qua châu Á mất 60%, trong khi trước đó Australia vừa đầu tư từ 60-70 triệu AUD (1 USD = 1,409 AUD) để xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới tại bang Queensland.

Một trong những lĩnh vực khác của Australia là du lịch cũng đứng trước rủi ro khi "sức khỏe" kinh tế Trung Quốc không ổn. Năm 2015, Australia đã đón khoảng 1 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 22% so với năm 2014. Tuy nhiên, bà Anna Cook, quản lý điều hành tour du lịch ở Melbourne bày tỏ quan ngại về triển vọng trong tương lai.

Bất chấp tình trạng trì trệ, ông Tim Harcourt, một chuyên gia kinh tế của Đại học New South Wales tin rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sự thịnh vượng của Australia trong tương lai.

Theo ông Harcourt, sự bùng phát về nhu cầu tài nguyên kéo dài nhiều thập niên có thể đang mờ nhạt, nhưng các khu vực khác của nền kinh tế Australia đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu của Trung Quốc, như xuất khẩu nông phẩm và xây dựng.

Ông Harcourt tin rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho hoạt động xuất khẩu của Australia, nhưng không gây thiệt hại cho hoạt động giao thương với Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Tháng 6/2015, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) sau khi hoàn tất tiến trình đàm phán bắt đầu từ năm 2005.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục