Kinh tế Trung Quốc khởi động năm 2016 không suôn sẻ

13:27' - 14/02/2016
BNEWS Kinh tế Trung Quốc đã khởi đầu năm 2016 không suôn sẻ, khi đối mặt với làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán và nguồn vốn ào ạt chạy ra nước ngoài.
Kinh tế Trung Quốc khởi động năm 2016 không suôn sẻ

 Theo các số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố hôm 7/2, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 99,5 tỷ USD (89,2 tỷ euro) trong tháng Giêng vừa qua xuống còn 3.230 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Cách đây vài tháng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn tạo được lòng tin, nhưng giờ đây quốc gia này đang trở thành tâm điểm gây lo ngại.

Trong những tuần qua, Trung Quốc đã phải đẩy nhanh tiến độ phá giá đồng NDT so với USD (phá giá 1,3% từ đầu tháng Giêng sau khi đã hạ giá 4,5% trong năm 2015).

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn khẳng định chính phủ nước này đã ổn định được giá trị đồng nội tệ so với giỏ tiền tệ bao gồm 13 ngoại tệ được thiết lập hồi tháng 12/2015. Câu hỏi được đặt ra là liệu việc phá giá đồng NDT có thể làm dấy lên một cú sốc kinh tế toàn cầu hay không?

Từ lâu nay, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc kìm giữ đồng NDT ở mức thấp hơn giá trị thực để thúc đẩy xuất khẩu. Thế nhưng, từ năm 2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã nới lỏng cơ chế tỷ giá cố định và đồng NDT tăng giá so với USD.

Vào tháng 7/2015, để chuẩn bị cho việc đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), định chế này thậm chí đã hoan nghênh lộ trình mà Trung Quốc đã thực hiện.

Tuy nhiên, điều trái khoáy là một số nhà kinh tế đánh giá rằng hiện nay đồng NDT được định giá cao hơn giá trị thật. Nguyên nhân là các động lực kinh tế nội tại đang kéo đồng NDT xuống thấp, như tăng trưởng chậm và nguồn vốn ào ạt chạy ra nước ngoài (theo Viện Tài chính quốc tế, trong năm 2015, có 725 triệu USD được chuyển ra nước ngoài).

Chính vì thế, hiện nay PBoC đang cố kìm hãm và dàn trải các áp lực giảm giá trị tiền tệ để tránh việc hạ giá mạnh NDT. Hồi tháng 8/2015, PBoC đã thông qua một cơ chế xác định hối đoái mới và giải thích rằng cơ chế mới này tôn trọng các điều kiện thị trường hơn.

Kết quả là trong ba ngày đồng NDT đã mất giá 2,96% so với USD. Việc giảm giá này có thể còn mạnh hơn nếu như PBoC không can thiệp để ngăn chặn.

Để hỗ trợ giá trị đồng tiền quốc gia, PBoC đã dùng dự trữ ngoại hối để mua NDT, làm cho nguồn dự trữ này sụt giảm 770 tỷ USD kể từ tháng 6/2014.

Dù vậy, việc can thiệp giữ giá đồng NDT chỉ có hiệu quả nếu như ngăn chặn được các nguồn vốn đổ ra bên ngoài và thuyết phục được các nhà đầu tư ở lại Trung Quốc. Điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải có những cải cách cơ cấu.

Bắc Kinh đang vất vả chèo lái giai đoạn quá độ đưa nền kinh tế quốc gia hướng tới một mô hình bớt dựa vào xuất khẩu và chú trọng hơn vào tiêu thụ nội địa.

Chính phủ Trung Quốc, một mặt khẳng định cần phải tái cân bằng tăng trưởng, mặt khác lại tiếp tục chính sách thúc đẩy tăng trưởng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất và bảo đảm an ninh xã hội bình an.

Chuyên gia kinh tế người Canada, Robert Mundell, người từng đạt giải Nobel kinh tế cho rằng một nước không thể cùng một lúc áp dụng tỷ giá hối đoái cố định, thực hiện chính sách tiền tệ độc lập và có được sự luân chuyển lưu thông của dòng vốn. Nếu Trung Quốc muốn mở cửa thị trường vốn và hỗ trợ nền kinh tế quốc gia, thì buộc phải thả nổi tiền tệ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục