Giới đầu tư không còn quá lo ngại về xu hướng giảm của đồng NDT

16:21' - 11/08/2016
BNEWS Vào ngày 11/8/2015, giới chức Trung Quốc đã bất ngờ điều chỉnh hạ gần 5% giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD chỉ trong vòng một tuần.
Giới đầu tư không còn quá lo ngại về xu hướng giảm của đồng NDT. Ảnh: Reuters

Quyết định này đã thổi bùng lên những quan ngại về việc thực trạng kinh tế Trung Quốc đang suy yếu hơn dự báo. Tuy nhiên, đúng một năm sau sự kiện này, giờ đây giới đầu tư đã có lý do để tin tưởng hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Về cơ bản, đồng NDT sau lần điều chỉnh đó đến nay giảm khá nhẹ. Gần đây nhất, trong phiên 10/8, giá đồng tiền này ở mức 6,6430 NDT đổi 1 USD, gần mức thấp nhất được ghi nhận của sáu năm và đang hướng tới ngưỡng “an toàn” mà giới chức Trung Quốc duy trì trong giai đoạn 2008-2010 nhằm đưa nền kinh tế thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, khác với những lần trước khi sự suy yếu của NDT là hệ quả tất yếu của những chính sách can thiệp từ Bắc Kinh để chỉnh đốn bộ máy kinh tế, lần này chính các diễn biến kinh tế, chính trị bên ngoài mới là nguyên nhân khiến đồng tiền này sụt giá.

Những sự kiện điển hình như Mỹ nâng lãi suất hồi cuối năm ngoái, cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và vụ đảo chính “hụt” tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã đẩy giá trị đồng USD lên cao. Đây là nguyên nhân khiến giới đầu tư tỏ ra lạc quan hơn về “thể trạng” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mặc dù vậy, hãng chuyên nghiên cứu các vấn đề về kinh tế Capital Economics cho hay đâu đó vẫn tồn tại quan ngại về việc liệu Bắc Kinh có giữ đúng lời hứa sẽ theo đuổi các chính sách cải cách sâu rộng và tăng cường tính minh bạch của thị trường tiền tệ.

Với tác động của Brexit và một loạt diễn biến bất ổn khác trên toàn cầu, đồng NDT được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Theo chuyên gia kinh tế Liao Qun thuộc Citic Bank International, thời gian đồng NDT tiếp tục suy yếu sẽ phụ thuộc vào thời điểm đồng euro và đồng bảng Anh bước vào giai đoạn phục hồi.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại với GDP chỉ tăng khoảng 6,7% trong quý II/2016 thì đồng nội tệ rẻ sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 3.200 tỷ USD trong tháng 7/2016, song hiện vẫn là lớn nhất thế giới.

Cuối năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý đưa đồng NDT của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Theo đó, NDT sẽ "góp mặt" với nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF hiện thời gồm USD, euro, đồng bảng Anh và yen Nhật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục