Giới đầu tư vẫn thận trọng về đợt phục hồi gần đây của chứng khoán Mỹ

08:35' - 30/06/2022
BNEWS Các nhà đầu tư đang đánh giá thận trọng về sự phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi các đợt tăng tương tự trước đó đã thất bại.

Năm 2022 đang trên đà chứng kiến chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm tính theo phần trăm lớn nhất trong giai đoạn nửa đầu năm trong hơn nửa thế kỷ qua.

 

Mặc dù S&P 500 đã tăng 6,4% vào tuần trước, nhưng khó có thể trách các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi: chỉ số này đã chứng kiến ba lần phục hồi khác như vậy với mức tăng ít nhất 6% trong năm nay, rồi ngay sau đó lại rơi xuống dưới mức thấp trước đó.

Hiện tại, đợt tăng điểm này đã có dấu hiệu ngưng lại khi một báo cáo cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ suy yếu góp phần khiến chỉ số S&P 500 giảm tới 2% trong phiên 28/6. Trước đó vào đầu tháng này, diễn biến của S&P 500 đã chứng thực một điều rằng thị trường chứng khoán đã rơi vào thế giá xuống (bear market), khi chỉ số hàng đầu trên đóng cửa thấp hơn 20% so với mức đỉnh của tháng Một và duy trì mức giảm đó tính tới hiện tại.

Ông Willie Delwiche, chiến lược gia đầu tư tại công ty nghiên cứu thị trường All Star Charts, cho biết các nhà giao dịch lạc quan nhất phải tìm ra cách chứng minh rằng giai đoạn qua không đơn thuần chỉ là sự phục hồi của thị trường giá xuống.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng ngay các khi các chỉ số chính tăng mạnh trong tuần trước, nhiều cổ phiếu đã rơi xuống mức thấp nhất trong 52 tuần hơn so với nhóm ghi nhận mức cao trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq.

Trong khi đó, nhiều người tin rằng đã đến thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi sau đợt giảm mạnh của năm nay, ngay cả khi sự khởi sắc đó có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Chiến lược gia Michael Wilson của ngân hàng Morgan Stanley vào đầu tuần này cho biết đợt phục hồi có thể giúp các chỉ số tăng tới 7% so với các mức gần đây. Song ông mô tả mọi đợt tăng nào trong ngắn hạn này đơn thuần là sự phục hồi của thị trường giá xuống.

Ông nhận thấy mức giá trị hợp lý của S&P 500 (đóng cửa ở mức 3.821,55 điểm hôm 28/6) là quanh khoảng 3.400 - 3.500 điểm, trong khi khả năng xảy ra suy thoái sẽ đưa con số trên xuống khoảng 3.000 điểm.

Trong một ghi chú, ông Wilson nhận định thị trường xuống giá nhiều khả năng chưa kết thúc. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn có thể sẽ tăng trong vài tuần tới khi giới đầu tư cho rằng mức lãi suất thấp hơn là dấu hiệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể thành công đạt được kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, đồng thời ngăn các doanh nghiệp điều chỉnh mạnh dự báo thu nhập.

Tương tự, ông Jonathan Krinsky, kỹ thuật viên trưởng về thị trường tại công ty dịch vụ tài chính BTIG, cho rằng đợt tăng ngược xu hướng của S&P 500 sẽ đưa chỉ số này lên mức 4.000-4.100 điểm vào cuối quý này, trước khi quay lại đà giảm trong quý III và cuối cùng xuống dưới ngưỡng 3.500 điểm.

Dù vậy, vẫn có một số nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông Jack DeGan, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn đầu tư Harbour Advisory Corp cho biết ông đã bổ sung vốn chủ sở hữu vào danh mục đầu tư của khách hàng.

Ông DeGan không tin rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 18 - 24 tháng tới. Chuyên gia này cũng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm nhẹ vào mùa Thu, viện dẫn sự giảm giá gần đây của các mặt hàng như đồng và gỗ xẻ.

Lịch sử cũng cho thấy vài tuần tới có thể sẽ rất lạc quan đối với thị trường chứng khoán, khi mùa báo cáo thu nhập quý II sắp bắt đầu.

Theo thống kê từ công ty tư vấn tài chính Bespoke Investment Group, S&P 500 đã tạo ra lợi nhuận trung bình 2,15% trong hai tuần sau ngày 29/6 trong suốt 20 năm qua. Đó là mức lợi nhuận tốt nhất cho giai đoạn hai tuần bất kỳ nào trong năm.

Bespoke cho biết không có nhiều điều khiến các nhà đầu tư hào hứng khi nói đến thị trường chứng khoán những ngày này. Nhưng ít nhất, nghiên cứu của công ty cho thấy lịch sử sẽ mang tới xu hướng có lợi cho thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục