Giới doanh nghiệp Đức mất hơn 300 tỷ USD mỗi năm do lao động "chui"

05:30' - 10/01/2019
BNEWS Theo kết quả khảo sát mới đây của Viện Kinh tế Đức (IW), các doanh nghiệp Đức đang mất 300 tỷ euro (343 tỷ USD) doanh thu mỗi năm do tình trạng lao động bất hợp pháp.

Kết quả cuộc khảo sát, được tiến hành với đại diện của 853 doanh nghiệp Đức, cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở nước này chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ vấn nạn nói trên, trong khi các doanh nghiệp lớn với trên 250 nhân công ít bị ảnh hưởng hơn.

Gần 1/3 số SMEs của Đức (27,5%) cho biết họ ghi nhận mức thất thu khoảng 5%-30% do tình trạng lao động bất hợp pháp. Lĩnh vực xây dựng đang bùng nổ của Đức bị ảnh hưởng nặng do vấn nạn lao động bất hợp pháp khi cứ 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực này thì có một công ty báo cáo mất 30% doanh thu. Chỉ 19% số công ty xây dựng được khảo sát cho hay họ không bị thất thu do lao động phi pháp.

Đề cập đến sự bùng nổ hiện nay của ngành xây dựng, chuyên gia nghiên cứu về đạo đức doanh nghiệp thuộc IW, Dominik Enste nói rằng điều đáng báo động là hơn 80% số công ty xây dựng tại Đức đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh bất hợp pháp. Ông Enste nói thêm khu vực công có thể có những giải pháp ứng phó, với các điều kiện thầu ngày một cải thiện và biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn.

Theo kết quả khảo sát, các công ty Đức đều ủng hộ những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và mức phạt cao hơn để ngăn chặn lao động bất hợp pháp. Theo đó, 75% số công ty được khảo sát muốn các cơ quan hải quan Đức kiểm soát thường xuyên hơn và chuyên sâu hơn và khoảng 67% mong muốn có các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với hành vi vi phạm luật lao động Đức.

Số lao động “chui” tại Đức hiện ít hơn so với nhiều nước phát triển khác. Tính trung bình từ năm 2003 đến năm 2018, Đức đứng thứ 12 trong số 36 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về số lao động bất hợp pháp./.

>> Hạn chế lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục