Giới truyền thông kêu gọi hành động khẩn cấp để đối phó với biến đổi khí hậu

08:39' - 07/09/2021
BNEWS Các tạp chí y tế trên toàn cầu cảnh báo tình trạng ấm lên toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của con người đến mức không thể trì hoãn những hành động khẩn cấp để đối phó với biến đổi khí hậu.
Bài xã luận được đăng tải trên hơn 220 tạp chí hàng đầu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng 11 tới tại Vương quốc Anh cho thấy nhiệt độ toàn cầu tăng lên và sự tàn phá của thế giới tự nhiên đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C (34 độ F). Bài xã luận trên, do tổng biên tập của hơn một chục tạp chí trong đó có Lancet, Tạp chí Y khoa Đông Phi, Revista de Saude Publica của Brazil và Tạp chí Điều dưỡng Quốc tế thực hiện, cho biết điều này đã gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Theo bài viết, trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt ở những người trên 65 tuổi đã tăng hơn 50%. Nhiệt độ cao hơn đã làm gia tăng tình trạng mất nước và suy giảm chức năng thận, nhóm bệnh da ác tính, các bệnh lây nhiễm nhiệt đới, sức khỏe tâm thần xấu đi, các biến chứng thai kỳ, dị ứng, bệnh tim mạch, phổi và tử vong.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất sụt giảm cũng là một trong những yếu tố gây cản trở nỗ lực giảm thiểu tình trạng thiếu dinh dưỡng.

Bài viết cảnh báo những tác động này, vốn ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, trẻ em và các cộng đồng nghèo hơn, mới chỉ là bước khởi đầu.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm nhiệt độ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào khoảng năm 2030. Và điều đó, cùng với việc tiếp tục mất đa dạng sinh học, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người mà sẽ không thể đảo ngược được.

Trong một thông báo trước lúc đăng tải bài xã luận, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra có thể “lấn át” những rủi ro của bất kỳ bệnh đơn lẻ nào.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc, nhưng không có vaccine nào phòng chống khủng hoảng khí hậu. Mọi hành động được thực hiện để hạn chế khí thải và tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ đưa thế giới tiến gần hơn đến một tương lai khỏe mạnh và an toàn hơn.

Bài viết cũng chỉ ra rằng các chính phủ đã “dập tắt” được mối đe dọa từ dịch bệnh COVID-19 với "nguồn tài chính lớn chưa từng có, đồng thời kêu gọi các chính phủ cần có "một phản ứng khẩn cấp tương tự" đối với cuộc khủng hoảng môi trường.

Các tác giả bài viết cho biết “các chính phủ cần phải thực hiện những thay đổi cơ bản đối với cách tổ chức xã hội và nền kinh tế, cũng như cách chúng ta sống”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục