Giữ an toàn nhà máy thủy điện khi mùa mưa bão đến gần

08:20' - 16/09/2021
BNEWS Việc kiểm tra, giám sát để các nhà máy thủy điện, hồ chứa vận hành an toàn, ổn định luôn được ngành điện chú trọng.
Trước tình hình diễn biến thời tiết bất thường, đặc biệt là tình trạng mưa bão có thể xảy ra vào những tháng cuối năm, việc kiểm tra, giám sát để các nhà máy thủy điện, hồ chứa vận hành an toàn, ổn định luôn được ngành điện chú trọng. Các bộ, ngành cũng đã thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp để đảm bảo quản lý và khắc phục những tồn tại trong vận hành hồ chứa thủy điện trong cả nước.

*Tuân thủ quy trình

Theo báo cáo từ Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương, cả nước có hơn 420 công trình thủy điện đã được vận hành khai thác; trong đó có 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, gần 160 hồ lớn và hơn 250 hồ nhỏ.

Các hồ chứa thủy điện chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước đã góp phần quan trọng trong cắt giảm lũ, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, đồng thời cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn. Trong thời gian qua, việc vận hành công trình thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ nhìn chung đã được các nhà máy thủy điện tuân thủ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho hay, để chủ động ứng phó với mùa lũ năm 2021, công ty đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; rà soát cập nhật bổ sung, phê duyệt các phương án ứng phó thiên tai, quy chế phối hợp với địa phương, quy chế phối hợp trên lưu vực sông Đà. Công ty cũng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án bảo vệ đập, Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp công trình Thủy điện Hòa Bình.

Ngoài ra, công ty đã có kế hoạch kiểm tra bảo dưỡng các hạng mục công trình, chuẩn bị vật tư dự phòng, xây dựng kịch bản và thực hiện diễn tập để chủ động trong các tình huống; hoàn thành duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình, thiết bị các tổ máy, thay mới cáp dầu để sẵn sàng đón lũ năm 2021.

Tương tự như Thủy điện Hòa Bình, tại Công ty Thủy điện Sơn La - đơn vị vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La và Nhà máy Thủy điện Lai Châu, ông Khương Thế Anh, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã đề ra nhiều phương án, xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập tại Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu kết hợp phương án ứng cứu thông tin khi sự cố mất thông tin trong mùa lũ bão.

Ông Khương Thế Anh nhấn mạnh: "Công ty đã kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị công nghệ và trang bị 14 trạm cảnh báo hạ du tại Sơn La, 5 trạm cảnh báo hạ du tại Lai Châu để kịp thời thông báo, cảnh báo đến nhân dân khi tổ máy thay đổi chế độ, thay đổi lưu lượng tổ máy và khi thực hiện thao tác đóng/mở cửa xả điều tiết hồ chứa. Ngoài ra, hệ thống thiết bị quan trắc địa chấn công trình thủy điện Sơn La với 11 trạm thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời số liệu khí tượng, thủy văn... Công ty cũng đã sẵn sàng chuẩn bị tốt vật tư, thiết bị, nhân lực, phương tiện, nhu yếu phẩm theo đúng phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng để ứng phó với mùa mưa bão năm nay”.

Việc vận hành hồ chứa thủy điện do các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong thời gian qua, đặc biệt là trong mùa mưa lũ được nhiều ý kiến đánh giá bài bản, đúng theo quy định và có sự phối hợp ăn khớp trong vận hành xả lũ của các chủ hồ thuộc EVN với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương.

Trước mùa mưa lũ hàng năm, EVN đều ban hành Chỉ thị về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gửi Ban Chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, an toàn hạ du và triển khai thực hiện các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã làm rất tốt, nhưng để nâng cao hơn nữa vận hành hồ chứa thủy điện, các nhà máy thủy điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn hồ đập.

Trong đó, ông Tiến nhấn mạnh, cần đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống quan trắc nhằm đảm bảo các hạng mục công trình hoạt động bình thường theo công năng thiết kế và theo dõi giám sát trạng thái làm việc của công trình. Đồng thời thực hiện đầy đủ kiểm định an toàn đập, hồ chứa theo quy định. Các nhà máy thủy điện ưu tiên áp dụng công nghệ mới vào hệ thống thu thập quan trắc từ xa, hiển thị theo dõi thời gian thực, tự động cảnh báo và báo cáo định kỳ để giám sát online từ xa các công trình, đảm bảo quản lý an toàn, ổn định đập và hồ chứa.

Các nhà máy cũng cần chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong vận hành hồ chứa thủy điện, đặc biệt là trong các tình huống hồ xả lũ vào ban đêm…

*Tăng cường phối hợp

Thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, những năm qua, sự phối hợp giữa Tổng cục và EVN luôn kịp thời và chặt chẽ trong các tình huống khi có mưa lũ xảy ra cũng như các hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị.

Hàng năm, Tổng cục phối hợp với EVN tổ chức các đoàn kiểm tra hệ thống hồ chứa và chuẩn bị vận hành xả lũ trên lưu vực sông trước mùa mưa lũ; thảo luận các nội dung liên quan đến quy trình vận hành và một số tồn tại bất cập trong vận hành khi có thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho hay, khi diễn biến mưa lũ phức tạp, lưu lượng về hồ lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình, EVN đã chủ động cử thành viên tham gia đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đi kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp tại địa phương.

Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương trong vận hành các công trình; rà soát, sẵn sàng phương án, biện pháp đảm bảo an toàn khi các hồ chứa xả lũ.

Cùng quan điểm trên, theo chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các chủ đập trong đảm bảo an toàn khai thác, vận hành công trình, đặc biệt là quản lý hành lang bảo vệ hồ chứa và môi trường nước xả vào các hồ chứa.

Tại buổi kiểm tra việc bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ Thủy điện Hòa Bình; kiểm tra an toàn đê điều tại Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị quản lý, vận hành hồ phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thống nhất kịch bản chung, phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu rà soát, kịp thời điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa để việc vận hành hồ được an toàn, hiệu quả hơn…

Với sự sẵn sàng của các đơn vị, phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các ngành chức năng, việc vận hành hồ chứa, đập thủy điện sẽ được thực hiện một cách an toàn, ổn định trong mùa mưa bão sắp tới…/.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục