Giữ vị thế của người nông dân trong chính sách phát triển ngành hàng lúa gạo

10:26' - 13/12/2023
BNEWS Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, việc phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại không còn xa lạ.

Sản xuất lúa gạo hiện nay vốn đã được ứng dụng công nghệ và công nghiệp hóa trong nhiều khâu. Người nông dân có vai trò mới trong chuỗi sản xuất lúa gạo, họ là một kỹ sư nông nghiệp thay vì "chân lấm, tay bùn", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như trước đây.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh vừa tạo việc làm, thu nhập cho người dân song cũng sẽ lấy đi tài nguyên của nông nghiệp. Sự thay đổi lớn này kéo theo hàng triệu nông dân nông thôn sẽ dần chuyển hoá nghề nghiệp. Trong khi đó, khả năng tích lũy vốn và năng lực nghề nghiệp mới lại chưa ổn định.

Chính vì vậy, bài toán cho ngành nông nghiệp nói chung, phát triển sản xuất lúa gạo nói riêng là giữ vững vị thế của người nông dân trong hàng loạt chính sách, giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo, trước xu thế phát triển mạnh mẽ để cạnh tranh hiện nay.

 

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cần lấy nông dân làm gốc để phát triển ngành hàng lúa gạo. Khởi đầu từ những nông dân sản xuất lúa gạo đã tạo nên một tập đoàn sản xuất và xuất khẩu lúa gạo lớn tại Việt Nam hiện nay. Doanh nghiệp xác định vai trò của người nông dân trong chuỗi sản xuất và chế biến lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu. Chính vì vậy, cái gốc là phải thúc đẩy nông dân trồng lúa phát triển trước tiên.

Trước đây, khi người dân hoạt động độc lập, đồng loạt cùng canh tác một loại gạo khiến sản lượng nhiều nhưng lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, dẫn đến thua lỗ, thiệt hại. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh canh tác cũng cần có sự tham gia của nông dân để tạo nên sự đồng thuận trong sản xuất; giúp việc tiếp nhận kiến thức sản xuất của nông dân nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, việc phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại không còn xa lạ. Đặc biệt, sản xuất lúa gạo đã không còn là công việc thủ công, cần nhiều lao động tay chân mà đã là thời kỳ sử dụng khoa học, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, cho nông nghiệp lúa nước phát triển.

Tiến sỹ Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông dân sản xuất lúa gạo của khu vực phía Nam đa số là người trẻ, có khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học kĩ thuật nhanh nhất. Do đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo không còn là vấn đề trở ngại. Yếu tố trở ngại hiện nay là tạo động lực để khích lệ những nông dân trẻ tiến tới hình thành doanh nhân, khích lệ họ trở thành những doanh nghiệp nhỏ về lúa gạo, có hợp tác, có sự liên kết nếu như thế hệ nông dân này muốn bắt đầu khởi nghiệp bằng nông nghiệp.

Sản xuất lúa gạo là sự liên kết của một chuỗi giá trị các mắt xích liên đới như giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, thủy lợi, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, và sau cùng là chế biến, xuất khẩu. Hiện Việt Nam có nhiều giống lúa chất lượng cao, sản lượng vượt trội vừa giúp cho người tiêu dùng từ thị trường truyền thống đến thị trường ngách có nhiều sự lựa chọn, cũng vừa giúp nông dân Việt Nam có thêm lợi nhuận.

Để canh tác tốt các giống lúa này, nông dân cần có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hình thành nên chuỗi sản xuất hiệu quả từ khâu dùng giống, phân bón đúng liều lượng, cũng như nguồn nước hợp lý tạo phát thải thấp. Bởi vấn đề phát thải trong sản xuất lúa hiện nay, tạo môi trường sản xuất an toàn được nhiều quốc gia và người tiêu dùng quan tâm.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ, nông dân hiện nay đang dần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nên nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... đang dần áp dụng đồng bộ quy trình, công nghệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các loại vật tư đầu vào cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất hiệu quả và bền vững.

Nói đến xây dựng một chuỗi giá trị lúa gạo hài hòa, bền vững, nâng cao lợi ích cho cả người trồng lúa lẫn doanh nghiệp, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự gắn kết chặt chẽ với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hơn 10 năm qua.

Cụ thể nhất là trong tháng 11/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 – 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, 90 hợp tác xã liên kết và 200 chi hội nông dân đã kí liên kết sản xuất trên diện tích gần 424.000 ha với Lộc Trời đến năm 2030.

Riêng năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng để triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000 ha lúa; ký liên kết sản xuất trực tiếp với nông dân và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng cao có thể cung ứng 5 triệu tấn lúa mỗi năm, ông Trần Duy Thuận cho biết.

Các mối liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay vừa đảm bảo cho nông dân sản xuất, cũng là những điểm tựa vững chắc trước biến động thị trường lấy gạo.

Dẫn thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, ông Ralph Bean, Tham tán Công sứ Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ, năm 2022 là năm chứng kiến áp lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh trong bối cảnh COVID-19 do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nhiều bên liên quan bị tác động, bất ổn địa chính trị cùng các yếu tố khác liên quan đến thị trường, ngành lúa gạo cũng không ngoại lệ. Hiện ngành lúa gạo toàn cầu đang chứng kiến mức độ tiêu dùng, nhu cầu của người dân tăng cao, đặc biệt tại khu vực cận Sahara, châu Phi, Đông Nam Á. Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2023 được dự báo ở mức 53,3 triệu, giảm 2,8 triệu so với năm 2022.

Chính vì vậy, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là mối liên kết bền vững để nông dân yên tâm sản xuất và duy trì ngành hàng hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục