Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần góp phần cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo

19:22' - 11/12/2023
BNEWS Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 33 thành viên; trong đó, ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Chiều 11/12, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (gọi tắt Hiệp hội) tổ chức Đại hội Hiệp Hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2023-2028, nhằm công bố quyết định thành lập Hiệp hội; thảo luận, biểu quyết điều lệ và bầu các chức danh chủ chốt của Hiệp hội nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 33 thành viên; trong đó, ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập vào thời điểm này phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, thuận thiên; trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chúc mừng Đại hội thành công và mong muốn Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo hoạt động hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Nhận định ngành hàng lúa gạo là vòng tròn mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp - chính quyền..., theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập nhằm tạo tính bền vững, chặt chẽ hơn cho cấu trúc, mắc xích ngành hàng lúa gạo.

 

Vì thế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị mỗi thành viên Hiệp hội nên phát huy thế mạnh từng người để cùng nhau kết nối, cùng đi, cùng thay đổi, làm cho hạt gạo Việt ngày càng tốt hơn, khẳng định trên thương trường quốc tế.

Theo ông Lê Minh Hoan, khách hàng không chỉ quan tâm đến chất lượng gạo ngon mà còn quan tâm cách tạo ra sản phẩm (giảm phát thải, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân...). Vì thế, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần góp phần tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng lúa gạo: Việt Nam trồng lúa không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Mặc dù, hạt gạo chỉ nặng 0,029grams nhưng đó là kết tinh toàn bộ hệ sinh thái của người Việt.

Được tự nguyện thành lập theo quy định của pháp luật, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá nhân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và các phụ phẩm, sản phẩm chế biến từ lúa gạo; sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Hiệp hội hoạt động vì phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo định hướng hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững; lấy mục tiêu chính là phục vụ và mang lại những lợi ích thiết thực cho các tổ chức, cá nhân trong ngành hàng lúa gạo Việt nam. Đồng thời, Hiệp hội là cầu nối giữa Nhà nước với các tác nhân trong ngành hàng lúa gạo để xây dựng, phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với bối cảnh mới về phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế, môi trường và biến đổi khí hậu.

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam ưu tiên tạo nền tảng chung để tập hợp, liên kết các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngành hàng lúa gạo, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng để cùng chung sức xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn đảm bảo đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, an toàn toàn thực phẩm; đổi mới và phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ thành lập, Hiệp hội tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện cơ sở pháp lý của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; tổ chức và xây dựng ít nhất từ 2 - 3 mô hình liên kết thành vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn bền vững.

Cùng với đó là phối hợp các hội viên phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại các địa phương trọng điểm sản xuất lúa gạo hàng hóa. Từ đó, góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị ngành hàng, lợi ích của người tiêu thụ; đảm bảo đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ mội trường, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, gia tăng sức cạnh tranh hạt gạo trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng xây dựng các chương trình, dự án khuyến khích đầu tư, liên kết, hợp tác với hợp tác xã, trang trại cung cấp vật tư đầu vào trong sản xuất (giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học ….) và thu mua sản phẩm để tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã trang trại, nông dân tham gia chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Mỗi tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 1-2 hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết hoạt động theo các nội dung nêu trên.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng nghiên cứu và triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phát triển các hình thức tiếp thị, xúc tiến thương mại, tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, các chương trình, đề án, dự án trong nước và quốc tế liên quan đến phát triển lúa gạo, quan hệ với các nhà doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Tăng cường quan hệ với các tổ chức lúa gạo quốc tế, các hiệp hội ngành hàng lúa gạo trong khu vực và thế giới; xây dựng mối quan hệ với các tổ chức phát triển quốc tế hoạt động ở Việt Nam có liên quan đến phát triển ngành hàng lúa gạo; thu thập và cung cấp thông tin kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển ngành hàng lúa gạo cho các thành viên và người sản xuất lúa gạo ngoài Hiệp hội..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục