Giữa “cơn bão” ở Biển Đỏ, thị trường thuê tàu trầm lắng do thiếu nguồn cung

07:00' - 18/01/2024
BNEWS Chuyển hướng khỏi tuyến đường đi qua Biển Đỏ đồng nghĩa rằng các hãng tàu container sẽ cần nhiều tàu hơn để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa.

Nhưng nhìn chung, sự hạn chế trong nguồn tàu có sẵn để cho thuê đang kìm hãm hoạt động thuê tàu ở mức thấp.

Các hãng tàu càng nắm quyền kiểm soát nhiều tàu, thì năng lực vận chuyển của họ càng cao và nhờ thế lợi nhuận thu về càng nhiều. Nhưng các hãng tàu đang gặp khó khăn trong việc thuê tàu. Thách thức trên thị trường thuê tàu hiện nay là còn rất ít tàu có thể cho thuê. Hầu hết tàu đã bị ràng buộc trong các hợp đồng cho thuê dài hạn.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các chủ tàu không những “ép giá” thuê tàu mà còn buộc các hãng tàu phải ký các hợp đồng thuê tàu kéo dài nhiều năm. Hầu hết các hợp đồng này vẫn còn hiệu lực. Trong số các chủ tàu niêm yết tại Mỹ, Danaos hiện có 90% số tàu đang bị kẹt trong các hợp đồng cho thuê đến hết năm 2024. Tỷ lệ này của Costamare là 87%, của Global Ship Lease là 82% và của Euroseas là 70%.

 

Một nguồn tàu có sẵn để cho thuê khác là những tàu mà các hãng tàu đang nắm quyền kiểm soát bằng các hợp đồng thuê tàu dài hạn từ chủ tàu, nhưng họ lại chọn cho các hãng tàu khác thuê lại. Nhưng công ty môi giới thuê tàu MB Shipbrokers cho biết nhiều hãng tàu đã bỏ phương án này.

Các hãng tàu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ so với các chủ tàu, khi cước phí vận tải biển đã tăng nhanh hơn nhiều so với giá thuê tàu, và quá nhiều tàu đang bị kẹt trong các hợp đồng cho thuê dài hạn.

Chỉ số Harpex, đo giá thuê tàu kỳ hạn 6-12 tháng với các loại tàu có năng lực chuyên chở lên đến 8.500 TEU (đơn vị container 20 feet), đã tăng 12% kể từ giữa tháng 12/2023. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức độ ảnh hưởng của căng thẳng ở Biển Đỏ đối với cước vận tải biển. Các chỉ số đo cước vận tải biển của cả hai công ty Freightos và Drewry đã tăng hơn gấp đôi trong cùng khoảng thời gian trên.

Diễn biến giá cổ phiếu của các hãng tàu và chủ tàu cũng xác nhận xu hướng này. Cổ phiếu của hãng tàu Zim đã tăng đến 65% kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, còn cổ phiếu của Hapag-Lloyd tăng 45% và Maersk tăng 19%.

Trong khi đó, cổ phiếu của các chủ tàu lại tăng khá khiêm tốn. Giá cổ phiếu của GSL chỉ tăng 9% trong cùng khoảng thời gian này. Cổ phiếu của Costamare và Danaos cũng chỉ tăng lần lượt 10% và 11%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục