Giúp nông sản Việt Nam có chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường

18:46' - 07/06/2022
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, không chỉ ở các thị trường truyền thống mà mở ra các thị trường mới.

Chiều 7/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn về xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản…, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp xanh cho biết: Bộ trưởng trả lời rất có trách nhiệm, thẳng thắn chỉ rõ những mặt làm được và chưa làm được của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới góc độ quản lý nhà nước.

 

Theo bà Nguyễn Ngọc Bích, tại hội trường các đại biểu đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các câu hỏi mang tính thời sự, hơi thở của cuộc sống, được người dân cả nước quan tâm như giá xăng dầu tăng cao, vật tư nông nghiệp đầu vào cũng tăng, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng phi mã… làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, gây khó khăn cho cuộc sống của nông dân.

Để giải quyết những vấn đề mà các đại biểu chất vấn, Bộ trưởng cũng trình bày các giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố để bình ổn giá phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, đấu tranh chống gian lận thương mại, phân bón giả…

Đặc biệt là liên kết giữa người nông dân với hiệp hội ngành hàng để tìm đầu ra tốt nhất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông sản Việt Nam có chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, không chỉ ở các thị trường truyền thống mà mở ra các thị trường mới, giúp nông dân tránh tình trạng “được mua rớt giá”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu; cùng địa phương đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng.

Theo đó, đơn vị chức năng rà soát quy mô, sản lượng, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...; quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu và hành lang biên giới.

Đồng quan điểm này, anh Phạm Minh Nam, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng cho biết, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19. Chi phí giá thành còn cao dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Thời gian tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp các nước tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch gắn với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục