Gỡ khó cho doanh nghiệp chăn nuôi xuất khẩu

10:50' - 25/09/2015
BNEWS Sự kiện giá thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam rẻ hơn nhiều so với giá bán trong nước và Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đang tiến hành các thủ tục theo đuổi kiện chống bán phá giá gà.

Ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Đây được xem là khởi mào cho những thách thức về thị trường mà ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp chăn nuôi có khả năng xuất khẩu, chiều 24/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị bàn về thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tại Tp. Hồ Chí Minh.

Dưới góc độ của một doanh nhân nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Muneyuki Todaka, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek cho rằng, mặc dù Việt Nam không có vùng an toàn dịch bệnh và môi trường chăn nuôi còn nhiều vấn đề tồn đọng, song trong tương lai, Việt Nam vẫn có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gà chế biến.

Theo ông Muneyuki Todaka, khó khăn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu thịt gà là vẫn còn cúm gia cầm và tồn tại tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, các trang trại lớn đã có sự kiểm dịch tương đối tốt, tuy nhiên các cơ sở chăn nuôi tự phát hiện vẫn chưa đáp ứng tốt vấn đề này.

Ông Âu Thanh Long, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) cho rằng, về quy hoạch, chúng ta đang làm ngược so với hiệu quả thực tế. Đặc điểm của ngành chăn nuôi là phải có vùng đệm và bố trí cách xa nhau để cách ly vùng an toàn, chứ không thể quy hoạch như khu công nghiệp. Do đó, không thể quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung.

Là một đơn vị chuyên sản xuất trứng giống xuất đi toàn thế giới, ông Nguyễn Minh Khanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bel Gà (Bỉ) cho biết: Doanh nghiệp này muốn đầu tư vào một nhà máy ấp gà giống ở huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng để xuất trứng ấp đi Myanmar, Indonesia nên đã tới đây để khảo sát tình hình.

Qua kiểm tra các cơ sở ở các nhà máy ấp tại đây thì phát sinh vấn đề là đàn gà mẹ buộc phải tiêm vắc xin cúm gia cầm. Trong khi đó, khi tiêm vắc xin này thì gà giống không được phép xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng một số rào cản phù hợp quy định quốc tế đối với một số sản phẩm chăn nuôi, tránh tình trạng thịt gà Mỹ như hiện nay.

Các quy định liên quan đến thủ tục hành chính từ phía cơ quan Nhà nước cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Riêng quy định về chích ngừa vắc xin cúm thì mỗi địa phương làm mỗi khác.

Doanh nghiệp cũng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, các thông tin về thị trường…

Tiêm vắcxin cho đàn gà tại Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Vạn Phúc (Viện Chăn nuôi). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Sau khi nghe những vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Văn Tám cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sát cánh với các doanh nghiệp chăn nuôi có kế hoạch xuất khẩu.

Sau cuộc họp này, phía Bộ sẽ thành lập tổ công tác - do Cục Thú y phụ trách chính, để hỗ trợ, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc của các doanh nghiệp này. Từ đó, tổ công tác này sẽ làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể để có hướng hỗ trợ phù hợp.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong quy hoạch chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không máy móc quy định khu chăn nuôi tập trung như khu công nghiệp.

Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ cần có sự tập trung để tránh tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư. Đối với các kiến nghị về rào cản nhập khẩu, quy định nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, Bộ sẽ rà soát lại và đưa ra quy đinh thú ý theo thông lệ quốc tế./.

H.Chung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục