Gỡ khó cho doanh nghiệp thực thi pháp luật hợp đồng dân sự

15:35' - 11/12/2020
BNEWS Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực thi hợp đồng dân sự, giải quyết các bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng hiệu quả pháp luật về hợp đồng dân sự

Ngày 11/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn đối thoại với chủ đề "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật hợp đồng dân sự". Sự kiện thu hút đông đảo giới luật sư, các trọng tài thương mại, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. 

Khai mạc diễn đàn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, diễn đàn được tổ chức nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi các loại hợp đồng, giải quyết các bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng hiệu quả quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự. 

Đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại...

Tại diễn đàn, đại diện Bộ Tư pháp và các chuyên gia đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Cụ thể như các quy định chung của pháp luật hợp đồng dân sự như chủ thể, đại diện, tài sản, đối tượng của hợp đồng, hiệu lực giao dịch, giao dịch vô hiệu, thời hiệu, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng…. Hay như các hợp đồng dân sự thông dụng theo quy định của pháp luật dân sự và đề cập sâu những bất cập, khó khăn, vướng mắc khác trên thực tế có liên quan.

Bàn về các vấn đề xử lý tranh chấp hợp đồng dân sự, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, tại Việt Nam, các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện có gồm hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và tố tụng tại tòa án. Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau và tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên trong hợp đồng. 

Theo quy định Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải; các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng; thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản. Hòa giải viên thương mại do các bên thỏa thuận lựa chọn từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố, việc chỉ định hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức hòa giải thương mại được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.

Ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2014, tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, cần lưu ý đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp; nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.

Bên cạnh đó, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng; thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng tòa án được thực hiện theo quy trình thủ tục tương đối chặt chẽ, thực hiện qua nhiều bước và đòi hỏi về thời gian.

"Từ các phân tích nói trên, doanh nghiệp cần tự cân nhắc và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với thực tế của đơn vị mình.", ông Huỳnh khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục