Gỡ khó gói tín dụng đóng tàu vỏ thép - Bài 1: Tàu đóng mới vừa hoạt động đã hỏng

11:33' - 28/10/2018
BNEWS Để gỡ khó khăn trong vay vốn đóng tàu vỏ thép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89.

Để tháo gỡ những khó khăn trong vay vốn đóng tàu vỏ thép, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 89/2015/NĐ-CP (Nghị định 89), nhưng thực tế vẫn còn những bất cập chưa được tháo gỡ triệt để. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị đầu mối đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89 cho phù hợp với thực tế để trình Chính phủ ban hành. Trong khi chờ đợi chính sách mới, thì những vướng mắc vẫn còn là trở lực cho cả ngư dân và ngân hàng.

Bài 1: Tàu tiền tỷ vẫn nằm bờ

Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67, với những con tàu vỏ sắt được đóng mới, hiện đại nhiều ngư dân có thể vươn khơi, bám biển, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp tàu vỏ sắt tiền tỷ vẫn nằm bờ do thiết kế chưa phù hợp với nhu cầu của ngư dân.

*Lâm vào nợ xấu

Theo khảo sát của phóng viên ở các tỉnh ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng cho thấy, bên cạnh những tàu vỏ thép đóng mới hoạt động tốt, vẫn có những tỉnh xảy ra tình trạng tàu vỏ thép đóng mới vừa hoạt động đã hỏng, có trường hợp vừa đóng xong cũng không thể hoạt động được.

Ông Dương Văn Thắng, chủ tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần NT 91234 tại Ninh Thuận cho biết, ông vay ngân hàng theo Nghị định 67, đóng con tàu dài 28 mét, rộng 8,2 mét, công suất 830 CV với số vốn đầu tư 16 tỷ đồng. Từ khi hạ thủy vào tháng 12/2015, con tàu này chỉ đi được 4 chuyến biển, nhưng hầu như chuyến nào cũng thua lỗ. Bởi mẫu thiết kế tàu chưa phù hợp với nghề dịch vụ hậu cầu (các tàu vỏ gỗ và tàu composite không thể cập vào để bán sản phẩm), tàu hoạt động bị vào nước...

Thế là con tàu “án binh bất động” hơn 2 năm qua tại Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam) từ tháng 9/2016 cho đến nay.

Bên cạnh những tàu vỏ thép đóng mới hoạt động tốt, vẫn có những tỉnh xảy ra tình trạng tàu vỏ thép đóng mới vừa hoạt động đã hỏng. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước tình trạng tàu nằm bờ, ông Thắng đã nhờ chính quyền địa phương mời các chuyên gia thẩm định chất lượng. Qua 3 năm, con tàu này đã được 3 đơn vị là Trung tâm Đăng kiểm (Tổng cục Thủy sản), Trường Đại học Nha Trang, Nhà máy đóng tàu Cam Ranh kiểm tra 3 lần và đưa ra kết luận tàu được đóng đúng thiết kế mẫu theo quy định của Nghị định 67.

Nhưng thực tế, tàu không hoạt động được như ông Thắng mong muốn. Không những vậy, trong suốt 3 năm qua, mỗi tháng ông Thắng phải chi phí vài triệu đồng để bảo dưỡng.

Bên cạnh những tàu vừa hoạt động đã nằm bờ, còn có nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 mới đóng đã hỏng. Theo hợp đồng giữa ngư dân và các công ty đóng tàu, trong trường hợp tàu đang hoạt động gặp phải bất trắc, doanh nghiệp đóng tàu sẽ có những điều kiện hỗ trợ ngư dân các chi phí như: thuê thuyền viên, thiết kế chuyển đổi nghề, neo đậu, đi lại, nhiên liệu đưa tàu đến nơi sửa chữa và 1% lãi suất vay vốn trong 6 tháng nằm bờ.

Thế nhưng trên thực tế, dù đã cam kết, các doanh nghiệp vẫn chưa có động thái thực hiện. Bởi với con tàu mất nhiều kinh phí hoàn thành, nguồn hỗ trợ cũng không nhỏ, gây khó khăn ngược lại cho doanh nghiệp đóng tàu. Trong khi các chủ tàu vẫn mòn mỏi chờ bồi thường, tàu vẫn nằm đó, chủ tàu vẫn phải “tự bơi” lo mưu sinh, vừa lo cả phần lãi suất phải trả cho ngân hàng.

Theo thống kê của các ngân hàng thương mại cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 tại Ninh Thuận, hiện Ninh Thuận có 41 dự án tàu vỏ thép đóng mới đã đi vào hoạt động. Trong số đó, chỉ có 11 dự án hoạt động hiệu quả, còn lại 10 dự án thua lỗ và 20 dự án chỉ hòa vốn sau những chuyến đi biển.

*Ngân hàng cũng khó khăn

Nghị định 67 được triển khai mang tính đột phá về sự hỗ trợ cho ngư dân mưu sinh, bám biển, phát triển nghề cá. Nhưng trong quá trình triển khai đã gây không ít khó khăn cho các bên tham gia. Khi ngư dân đóng tàu vỏ thép không thu được lợi nhuận, các ngân hàng thương mại cho vay theo nghị định này có nguy cơ nợ xấu tăng cao và khó giải quyết.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đến nay, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu; trong đó 622 tàu đóng mới nâng cấp và 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 5.400 tỷ đồng.

Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu vay theo Nghị định 67 và gần 47% tổng dư nợ toàn ngành về cho vay đóng tàu. Song việc cho vay theo Nghị định 67 đã phát sinh không ít vướng mắc khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Tính đến 31/7/2018, trên tổng số 622 khoản vay, có 34 khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng, 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ trên 155 tỷ đồng. Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu cho thấy khó khăn trong thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67.

Theo nắm bắt tình hình khách hàng tại các chi nhánh của Agribank, thời gian tới các khoản nợ đã được cơ cấu và các khoản nợ đến hạn phân kỳ sẽ tiếp tục khó khăn.

Nguồn vốn Agribank góp phần hình thành những đội tàu công suất lớn, hiện đại đánh bắt xa bờ, góp phần tích cực phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền biển đảo. Ảnh TTXVN

Bên cạnh những vướng mắc về chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, hay những khó khăn do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường… Trong số những ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67, đã xuất hiện hiện tượng chủ tàu có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, cố tình chây ỳ, không trả nợ, chờ ngân hàng xoá nợ...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định 67 không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng thương mại khác. Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ thực trạng này.

Lo ngại tới đây tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao, vì vậy, không chỉ riêng ngành ngân hàng mà sự vào cuộc giải quyết vấn đề này một cách kịp thời của các địa phương và các bên liên quan là rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả.

Bài 2: Sau đóng tàu, hết kinh phí đầu tư thiết bị

Xem thêm:

>>Quảng Trị hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ trên 25 tỷ đồng

>>Biển đảo Việt Nam: Cần thêm giải pháp khai thông hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục