Tàu vỏ thép vướng vốn

11:34' - 30/06/2018
BNEWS Các tàu vỏ thép gặp phải không ít sự cố, gây khó khăn cho ngư dân cũng như việc chi trả khoản vay đối với các ngân hàng theo hợp đồng đã ký.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hiện Thanh Hóa có 58 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NQ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản đã đi vào hoạt động; trong đó, có 17 tàu dịch vụ hậu cần, 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ. Phần lớn tàu vỏ gỗ khai thác kinh doanh có lãi, các chủ tàu có điều kiện trả nợ phân kỳ đầy đủ, đúng hạn.

Tuy nhiên, các tàu vỏ thép lại gặp phải không ít sự cố, gây khó khăn cho ngư dân cũng như việc chi trả khoản vay đối với các ngân hàng theo hợp đồng đã ký...

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, một số tàu vỏ thép ở các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) trong quá trình vận hành đã gặp phải những hư hỏng. Đó là, vỏ tàu han gỉ, sơn bong tróc; trang thiết bị khai thác như tăng gông, dàn đèn, tời... gặp trục trặc.

Hệ thống điện phục vụ khai thác như máy phát điện, đường điện, bóng đèn, balat.. hư hỏng, cháy nổ. Ngoài ra, hệ thống lái, hầm bảo quản sản phẩm cũng không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, phải sửa chữa trong thời gian dài nên khai thác chưa hiệu quả.

Cụ thể, tàu số hiệu TH-93968 TS của ông Nguyễn Duy Muộn (ở phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư) tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng; trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỷ đồng trong năm 2017 liên tục gặp trục trặc, phải nằm bờ để sửa chữa và đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Hiện tại, tàu lại tiếp tục hư hỏng máy dò, hiện đang sửa chữa tại Cửa Việt (Quảng Trị). Thu không đủ bù chi phí bỏ ra và đến nay gia đình ông Muộn mới chỉ trả được cho ngân hàng khoảng 800 triệu đồng. Mong muốn lớn nhất hiện nay của gia đình ông Muộn là được phía ngân hàng tiếp tục gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ đối với chủ tàu cá vỏ thép phải nằm bờ do hư hỏng, trục trặc.

Hay tàu vỏ thép của gia đình ông Nguyễn Văn Nhung (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa), từ khi hạ thủy đến nay hoạt động không tốt, chuyến "được" chuyến "mất". Thu không đủ bù chi khiến chủ tàu không có nguồn để trả các khoản vay định kỳ cho ngân hàng.

Tuy nhiên cũng có một bộ phận nhỏ các chủ tàu cố tình thoái thác nghĩa vụ, trách nhiệm với phía ngân hàng. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa), đơn vị trực tiếp tiến hành cho ngư dân vay vốn, triển khai đóng mới 38/58 tàu theo Nghị định 67 đang rất bất an về vấn đề này.

Tính đến tháng 5/2018 mới có 16 chủ tàu trả nợ đầy đủ, 8 trường hợp khác chi trả một phần, 3 trường hợp không trả được nợ. Ngoài ra, có đến 11 chủ phương tiện không hoàn trả đầy đủ nợ gốc, lãi buộc ngân hàng phải cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Ðặc thù của nghề biển đánh bắt khắp nơi, điều này gây không ít khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm tra giám sát tài sản bảo đảm tiền vay và nguồn thu nhập của ngư dân để trả nợ ngân hàng.

Theo đại diện lãnh đạo Agribank Thanh Hóa, Nghị định 67 chỉ mới ban hành nội dung thực hiện quy trình dự án, nhưng chưa ban hành các chế tài về xử lý sai phạm trong thực hiện dự án; chưa ban hành cơ chế xử lý các chủ tàu không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước cũng như chấp hành quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Từ đó, dẫn đến nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, kiến thức của ngư dân còn hạn chế, do chưa nắm bắt được các định mức kỹ thuật của tàu vỏ thép nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác...

Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết cho vay là 653,3 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 652 tỷ đồng; có 1.676 lượt tàu cá mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, 12.823 lượt thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn.

Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, Nghị định 67 đã tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới. Ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt cho ngư dân, tỉnh Thanh Hóa cùng các đơn vị chức năng đã hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng/571 chuyến biển đối với các tàu dịch vụ hậu cần, hỗ trợ đào tạo cho 455 thuyền viên cách thức vận hành tàu cá. Hiện ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng đã ký, nhất là các tàu cá vỏ thép. Tới đây, ngành sẽ tổ chức một hội nghị đánh giá kết quả và khắc phục những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện chính sách tín dụng vay vốn hỗ trợ theo Nghị định 67.

Trước mắt, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đề nghị các chủ phương tiện phải tổ chức sản xuất theo mô hình Tổ đoàn kết trên biển; chủ động tìm kiếm, mở rộng ngư trường cũng như tham gia các đội tàu, nghiệp đoàn khai thác hải sản để hỗ trợ lẫn nhau nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác và hiệu quả đánh bắt.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn chủ tàu trong việc duy tu, sửa chữa định kỳ, kịp thời phát hiện trục trặc, hỏng hóc đối với tàu vỏ thép để có biện pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động. Phối hợp với Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản thực hiện tốt kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy chế đăng kiểm tàu cá.

Về phía các ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường theo dõi tình hình hoạt động khai thác, đôn đốc chủ tàu trả nợ vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, nhất là các tàu cá vỏ thép. Trên cơ sở hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu cá vỏ thép phải nằm bờ do hư hỏng, trục trặc.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục duy trì việc hỗ trợ chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ cho các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên đến hết năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục